Tính minh bạch, chi phí không chính thức, vai trò người đứng đầu... ở Sở, quận/huyện tại TP.HCM bị đánh giá kém. Chủ tịch TP.HCM nói cán bộ cần biết tự ái khi bị chấm điểm như vậy.
Sở LĐ-TB&XH, TP Thủ Đức ‘đội sổ’
Sáng 11/5, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Công bố kết quả DDCI của thành phố năm 2022.
DDCI (Department & District Competitiveness Index) - Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, địa phương, là chỉ số tổng hợp sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các Sở, ngành, địa phương trên toàn tỉnh/thành.
Các chỉ số thành phần của DDCI gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý; Tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của Sở, ban, ngành; Vai trò của người đứng đầu.
Theo đó, trong 17 Sở, ngành được xếp hạng, Sở KH&CN đứng đầu bảng xếp hạng với 84,2 điểm; Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp xếp thứ hai, đạt 81,87; Sở Công Thương xếp thứ ba với 80,74 điểm. Ở nhóm cuối bảng, là 3 đơn vị gồm: Sở GTVT (58,08 điểm); Sở TN&MT (54,09 điểm); Sở LĐ-TB&XH (51,75 điểm).
Bảng xếp hạng DDCI TP.HCM năm 2022 - Khối Sở, ban, ngành
Đi sâu vào một số chỉ số thành phần của nhóm điểm kém, với chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, Sở LĐTB&XH xếp cuối bảng với 4,84 điểm trên thang điểm 10; áp chót là Sở TN&MT với 5,25 điểm; Sở Tài chính đạt 5,49 điểm.
Về vai trò người đứng đầu, Sở LĐ-TB&XH cũng cuối bảng với 4,18 điểm; Sở GTVT đạt 5,5 điểm; Sở GD&ĐT đạt 5,51 điểm.
Về chi phí không chính thức, Sở Y tế được chấm điểm kém ở mức 3,41 điểm; Sở TN&MT đạt 4,32 điểm; Sở GTVT đạt 5,19 điểm; Sở Xây dựng đạt 5,29 điểm.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, Sở TT&TT đạt 4,68 điểm; Sở LĐ-TB&XH đạt 5,09 điểm; Sở Xây dựng chỉ đạt 5,4 điểm.
Bảng xếp hạng DDCI TP.HCM năm 2022 - Khối địa phương
Cục Hải quan, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội, NHNN Chi nhánh TP.HCM, Công an thành phố là nhóm ngành dọc không xếp hạng DDCI tại địa bàn. Đối với các cơ quan này, Công an TP.HCM đạt tổng điểm DDCI 43,78 điểm, thấp nhất trong nhóm này. Đáng chú ý, với mục Chi phí không chính thức, nhiều đơn vị được đánh giá đạt mức điểm dưới 5 như Cục Hải quan (4,17 điểm); Cục Thuế (4,96 điểm); Công an thành phố (2,73 điểm).
Đối với nhóm các địa phương, quận Phú Nhuận xếp thứ hạng đầu với 78,56 điểm, tiếp theo là quận 11, quận 10, quận Tân Phú. Ở chiều ngược lại, TP.Thủ Đức đứng cuối bảng 22 địa phương với 49,69 điểm, xếp liền trên là huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, quận 8.
3 Sở "bất hợp tác", Chủ tịch nêu thẳng tên phê bình
Ngoài số liệu trên, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết, theo phiếu điều tra xã hội học năm 2022 của Bộ Nội vụ, sự hài lòng của đối với cải cách hành chính của TP.HCM chỉ xếp hạng 63/63 tỉnh thành, cuối bảng. Đây là điều rất đáng suy nghĩ.
Khi nhìn lại các dữ liệu được thống kê, Chủ tịch TP.HCM, ông Phan Văn Mãi cho rằng, các Sở, ngành, địa phương phải thực sự thấy tự ái cách mạng, thực sự chuyển biến, để có kết quả, đây sẽ lời giải thích thuyết phục nhất. Ông mong muốn lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương có những hành động cụ thể để thực sự tạo chuyển biến. Chứ không phải đứng nói đầy quyết tâm nhưng cuối năm kết quả ngược lại.
Đồng thời, Chủ tịch thành phố đã nêu thẳng tên, nghiêm túc phê bình 3 Sở gồm: Sở Y tế, Sở Du lịch, Sở GD&ĐT - các đơn này vị chưa tham gia nghiêm túc, chưa cung cấp các danh sách để khảo sát, làm ảnh hưởng tới tiến độ và hiệu quả của đánh giá DDCI. Trong khi, đánh giá trên là cơ sở để các cơ quan hành chính của TP.HCM tự soi, để có giải pháp nâng cao hiệu quả, cải thiện chất lượng công vụ, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của thành phố.
Xếp hạng trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại TP.HCM (Nguồn: VCCI)
Ngoài ra, quá trình tiếp xúc cử tri tại TP.HCM, người dân, xã/phường đều nói về vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 06 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030). Người dân nói chuyển đổi số mà làm trực tuyến còn lâu hơn trực tiếp.
Do đó, nếu TP.HCM không tập trung triển khai giải quyết các vướng mắc của đề án 06, cuối năm còn nhận rất nhiều điểm trừ từ hoạt động này. Sở TT&TT cần phối hợp với Sở Tư pháp, Công an TP.HCM nhận diện ra các vấn đề để gỡ ngay nếu có thể, theo ông Mãi.
Liên quan tới các chỉ số khảo sát đánh giá, trong năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM đạt 65,86 điểm, xếp hạng 27 trên toàn quốc. Đối với chỉ số quan trọng này, nếu tính cả giai đoạn 2015-2022, đầu tàu TP.HCM đang có hiện tượng đi giật lùi qua các năm về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Nắng nóng, TP.HCM tiêu thụ điện kỷ lục tới gần 95 triệu kWh/ngàyChỉ trong 1 tháng qua, tại TP.HCM liên tiếp 4 lần phá kỷ lục về lượng tiêu thụ điện do tình hình nắng nóng gay gắt.
Bình luận