Trung thu thời xa vắng

02/10/2023 11:05

Làng Hón quê tôi nằm cheo leo trên bờ biển miền Trung. Đêm trung thu trăng tròn vành vạnh. Những quả bưởi cuối mùa đung đưa trong vườn, lấp lánh sau những tán lá xanh nhuộm vàng ánh trăng rằm tháng Tám. Gió thu khe khẽ thổi từ biển vào qua khóm tre xào xạc. Từ chập tối lũ trẻ đã gọi nhau í ới đi rước đèn kéo quân.

Bà nội tôi ngồi ở bậu cửa nhìn đàn cháu đang háo hức chờ đến giờ được đi rước đèn, phá cỗ. Vừa bỏm bẻm nhai trầu, nội vừa ngâm nga câu đồng dao:

Chú Cuội ngồi gốc cây đa Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời.

Tôi hỏi nội chú Cuội và chị Hằng có thật trên đời hay không, nội không trả lời mà tiếp tục ngâm nga:

Cha còn cắt cỏ trên trời Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên Ông thì cầm bút, cầm nghiên Ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa.

Dù nội không trả lời nhưng tôi vẫn cứ tin chú Cuội và chị Hằng có thật. Chỉ vì nghịch ngợm và hay nói dối, lại để trâu ăn lúa nên cuội bị đày lên cung trăng, mỗi năm chỉ đến Rằm tháng Tám mới được xuống hạ giới vui trung thu cùng bầu bạn. Câu đồng dao cứ văng vẳng như thế trong tôi, mang theo niềm tin yêu trong trẻo như trăng rằm.

Ông nội ngồi uống trà ngắm nghía rất kỹ chiếc đèn kéo quân vừa mới hoàn thành. Năm nào cũng vậy, giấy vàng mã còn thừa từ Rằm tháng Bảy được ông gom góp lại, kiếm thêm ít nan tre, ông làm cho tôi một chiếc đèn kéo quân rực rỡ sắc màu. Nếu còn dụng cụ, ông bắt chéo mấy chiếc nan, lấy cơm nguội thay keo, dán thêm vài tờ giấy xanh đỏ, anh em tôi có thêm chiếc đèn ông sao 5 cánh.

Có dịp trung thu ông làm cho tôi một chiếc trống da ếch buộc dây đeo lủng lẳng ở cổ. Tang trống là chiếc ống bò đựng sữa dán giấy màu nâu. Mặt trống là da con ếch phơi một nắng căng lên mặt ống bò. Tôi, một tay cầm đèn kéo quân, một tay cầm rùi trống bé tẹo gõ tưng tưng trông rất oai.

Trung thu thời xa vắng

Nhiều người muốn mua vé tuổi thơ để trở về với trung thu xưa (Ảnh minh họa)

Rằm tháng Tám, buổi tối không đứa trẻ nào trong làng phải học bài. Những chiếc đèn dầu leo lét được khêu to hơn, sáng choang một góc nhà. Ngoài bãi biển, tiếng trống thình thình mỗi lúc một rộn ràng hơn. Bữa cơm chiều qua nhanh vội vã. Đứa nào đứa nấy xúng xính rước đèn ngược gió ra bãi biển, nơi có cái sân khấu đón trung thu… lớn nhất thế giới đang chờ.

Hồi đó, bánh nướng, quê tôi thường gọi là bánh cao lâu là một món quà đặc sản, hiếm có. Trung thu quê nghèo nhìn lên mâm cỗ chỉ có quả bưởi, quả hồng, bánh đa, bỏng ngô, kẹo vừng, kẹo mật… Các anh chị thanh niên phải cắt cử người trông mâm cỗ từ chập tối. Nếu không sẽ có đứa phá cỗ trước, phá vỡ luôn “kịch bản” trong trẻo của đêm hội trăng rằm.

Thằng Hương, con chú họ tôi năm nào cũng được phát kẹo tới 2 lần. Số là nó đeo mặt nạ múa lân nên tìm cách xếp hàng 2 lần mà không ai phát hiện ra. Một lần nó đứng đầu hàng đeo mặt nạ nhận kẹo, sau đó luồn xuống cuối hàng cởi mặt nạ ra để nhận thêm lần nữa. Nhìn miệng nó nhai kẹo vừng kẹp bánh đa phồng má ai cũng không nhịn được cười. Bánh kẹo trung thu không bao giờ là đủ. Có đứa khóc vì kẹo vào đến miệng còn bị bạn cướp mất.

Thằng Lâm, bạn tôi nhai một lúc 2 chiếc kẹo dừa dính răng không tài nào há được miệng. Bố nó phải dùng tay bóp miệng, lay lay mãi cu cậu mới nhấc được hàm trên khỏi hàm dưới. Lâm tẽn tò một phen vì bị bạn bè ồ lêu… ăn tham.

Sau màn phá cỗ, dưới ánh trăng Rằm, lũ trẻ lại nắm tay nhau hát bài dung dăng dung dẻ. Đèn ông sao, đèn kéo quân, trống da ếch nối đuôi nhau thành hàng dài đi khắp làng trên xóm dưới. Đầu lân, mặt nạ chú tễu khiến nhiều đứa hoảng hồn hét toáng lên. Tan hội trăng rằm, trên bãi cát mênh mông, đám con gái chi chi chành chành, đám con trai kéo cưa lừa xẻ. Một nhóm khác rủ nhau đánh trận giả, cát theo gió bay mù mịt…

Gần 40 năm sau, thấy vợ ngồi cắt chiếc vỏ chai nhựa làm đèn trung thu cho con, lòng tôi lại dâng lên những cảm xúc xao xuyến khó tả. Ngoài phố tiếng nhạc rộn ràng những bài hát trung thu mới nhưng tuổi thơ chưa bao giờ cũ. Đêm nay, trong giấc mơ chập chờn, tôi thấy chú Cuội vẫn ngồi đếm lá đa.

Quang Duy

Theo Nguồn giadinhonline.vn

Trung thu thời xa vắng - Đời Sống