"Cả ngày chỉ dám nhập 3 kg cà chua để bán cùng nhóm rau củ vì giá tăng cao quá", chị Loan, tiểu thương chợ Xóm Mới (Gò Vấp) than thở.
Theo chị Loan, cả tuần nay giá cà chua, súp lơ, xà lách, rau xanh tăng liên tục khiến hàng bán ra chậm. Mỗi kg cà chua loại thường từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng một kg, còn loại beef 45.000 đồng lên 60.000 đồng một kg. "Có ngày tôi phải chịu lỗ vì giá hàng nhập cao mà sức mua yếu, để sang ngày bị hư hỏng hết", chị nói.
Tương tự, cô Hoa, tiểu thương bán đậu chiên ở chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình) cho biết hơn tuần nay số lượng hàng bán ra giảm 30%. Trong khi đó, chi phí nguyên liệu đầu vào là đậu tương tăng cao kỷ lục buộc cô tăng giá mỗi chiếc đậu chiên lớn từ 5.000 lên 6.000 đồng, còn loại nhỏ tăng thêm 1.000 lên 5.000 đồng.
"Vì nhà tự làm mới có giá tốt như vậy, còn với những nơi buôn đi bán lại, mỗi chiếc đậu chiên thấp nhất phải 7.000 đồng. Nếu nguyên liệu tiếp tục tăng mà không dám tăng giá, tôi lo sẽ bị lỗ", cô Hoa nói. Thời gian tới cô cho biết sẽ phải chỉnh kích thước mỗi khuôn đậu để cải thiện tình hình.
Chung lo lắng, tiểu thương tại các chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), Minh Phụng (quận 6), Căn Cứ (Gò Vấp), chợ Thủ Đức..., đều cho hay giá hàng nhập vào đang "ăn mòn" lợi nhuận. Hầu hết doanh số bán ra tại các chợ giảm 20-30% so với đầu năm, thậm chí có sạp giảm tới 50%. Trong khi đó, hầu hết giá các loại hàng từ tươi sống đến hàng khô đều tăng 10-50% so với đầu năm. Nhiều tiểu thương cho rằng tình trạng này kéo dài sẽ khó duy trì hoạt động kinh doanh.
Khảo sát của VnExpress cho thấy trong số hàng tăng giá thì gia vị là nhóm tăng mạnh nhất. Dầu ăn, nước mắm, đường... tăng 30% so với đầu năm. Với nhóm thịt heo, bò, gà tăng 10-20% so với đầu năm và tăng nhanh trong hơn một tháng nay. Tương tự, vài ngày gần đây, giá thủy hải sản, rau xanh tăng 10-20% so với tháng trước đó.
Báo cáo chợ đầu mối Hóc Môn cũng thể hiện giá rau xanh và thịt heo pha lóc tăng khoảng 2-5% so với cách đây một tháng. Chỉ nhóm trái cây giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Người dân mua rau ở khu chợ tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần.
Báo cáo của Sở Công Thương TP HCM, cho thấy 5 tháng đầu năm, sức mua trên thị trường còn yếu (mức tăng chưa bằng cùng kỳ). Tiêu thụ hàng hóa của người dân chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát khiến người dân chi tiêu tiết kiệm hơn. Điều này càng làm cho hoạt động kinh doanh của tiểu thương, thương nhân trên địa bàn thành phố chưa thể cải thiện so với trước dịch.
Lãnh đạo 3 chợ đầu mối ở TP HCM cho biết lượng hàng về chợ tuy ổn định nhưng sức mua yếu, nhiều nhóm hàng lượng tiêu thụ giảm tới 20%.
Theo ông Lê Hoàng Phong, Phó giám đốc Chợ đầu mối Hóc Môn, so với trước dịch, tình hình buôn bán tại chợ vẫn còn khó khăn. Trước đây, lượng người giao dịch tại chợ một đêm lên tới 10.000 người, nay có đêm chỉ còn khoảng 3.000-5.000 người. Đặc biệt, thương nhân tham gia bán hàng giảm 10%. Tới nay chợ hoạt động với công suất 90-92% và chưa phục hồi hoàn toàn.
Nguyên nhân là do hoạt động kinh doanh khó khăn, nhiều thương nhân cho biết thời gian thu hồi vốn kinh doanh kéo dài. Nếu trước đây dòng tiền của họ thu hồi nhanh chỉ trong khoảng 1 tháng, nay phải vài tháng vì sức mua yếu, đối tác mua hàng trả chậm.
Ngoài ra, ông Phong cho biết tình trạng buôn bán tự phát tại các con đường bên ngoài chợ đầu mối cũng khiến cho tình hình kinh doanh trong chợ bị ảnh hưởng.
"Nhiều thương nhân vẫn cố tình buôn bán tự phát bên ngoài dù Sở Công Thương, UBND huyện đã can thiệp nhiều lần", ông Phong nói và cho rằng tình trạng này nếu không làm triệt để sẽ ảnh hưởng mạnh tới hoạt động kinh doanh của thương nhân trong chợ, còn nhà nước thì thất thu thuế.
Thi Hà