Năm nay không còn thấy nhiều cảnh chen chân vung tiền triệu mua nhà lầu, xe hơi... về đốt. Đồ vàng mã cho người "cõi âm" ngóng khách dù đã vào cao điểm mua sắm rằm tháng bảy.
Đồ vàng mã ế ẩm, tiểu thương lo lắng "mất mùa" dịp lễ Vu lan - Ảnh: NHẬT XUÂN
Nhiều tiểu thương tâm sự dù đã vào cao điểm mua sắm rằm tháng bảy, lượng người đến mua sắm vẫn èo uột, hàng bán chậm chỉ bằng phân nửa những năm trước.
Mẫu mã đa dạng, ảm đạm người mua
Theo ghi nhận từ Tuổi Trẻ Online tại khu vực chợ Thiếc - chợ "cõi âm" lớn nhất TP.HCM - những ngày gần đây, các loại vàng mã được bày bán đa dạng mẫu mã, cơ bản chủng loại… gì cũng có.
Từ những món đồ sinh hoạt ngày thường như quần áo, mũ nón, tiền vàng... đến các mặt hàng xa xỉ như nhà lầu, xe hơi, túi hiệu, điện thoại đời mới... Giá bán các sản phẩm cũng đa dạng từ vài nghìn đồng cho đến cả triệu đồng.
Tuy nhiên, trái với khung cảnh nhộn nhịp trước đây, năm nay dù đã cận kề ngày rằm tháng bảy, không khí mua bán tại thủ phủ vàng mã vẫn đìu hiu.
Tiểu thương chợ Thiếc (quận 11, TPHCM) làm các gói đồ lễ cúng cô hồn - Ảnh: NHẬT XUÂN
Vừa ngồi gấp giấy, làm hàng, bà N.T.H. - tiểu thương chợ Thiếc - ngán ngẩm lắc đầu khi miêu tả tình hình kinh doanh tháng bảy. Theo bà H., nếu như những năm trước, từ đầu tháng bảy âm lịch người dân đã rục rịch sắm sửa đồ vàng mã, song năm nay sức mua chỉ bằng khoảng 50%. Khách hàng mua ít hơn và số lượng cũng nhỏ hơn. Có mối khách sỉ của bà năm nay… chẳng còn thấy.
Lý giải cho sự sụt giảm này, bà H. cho rằng tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, tiết giảm mua sắm những món không cần thiết, kể cả đồ cúng như vàng mã.
Cùng cảnh ngộ bà H., nhiều tiểu thương tại chợ cũng ngao ngán, nuối tiếc thời buôn bán hoàng kim, xuất hàng không ngơi tay. Nhiều tiểu thương chia sẻ chỉ dám nhập hàng cầm chừng, vừa bán vừa ngóng khách chứ không dám nhập nhiều như trước.
Những chiếc túi hiệu hàng mã được bày bán đa dạng mẫu mã, đúng trend, chuẩn "trần sao âm vậy" - Ảnh: NHẬT XUÂN
Quan niệm "trần sao âm vậy" đang dần thay đổi
Buôn bán hàng vàng mã tại chợ Bà Chiểu gần 20 năm, bà Phạm Thị Ánh Tuyết bộc bạch chưa năm nào bà thấy kinh doanh khó khăn, èo uột như năm nay.
Với mặt hàng vàng mã, bà Tuyết nói: "Chỉ trông chờ vào ba mùa lễ lớn gồm Tết Nguyên đán, Thanh minh và rằm tháng bảy âm lịch. Song từ sau dịch, việc kinh doanh càng ngày càng khó, lãi bán ra chỉ vừa đủ gồng gánh các chi phí duy trì sạp".
Bà Tuyết chia sẻ giờ khách chủ yếu mua bó tiền nhỏ 10.000 - 20.000 đồng cho có, các loại nhà lầu,xe hơi cực khó bán. "Từ đầu mùa Vu lan tới giờ tôi chưa bán được cái nhà, cái xe nào cả", bà Tuyết tâm sự.
Theo bà Tuyết, doanh thu sụt giảm không chỉ vì tình hình kinh tế khó khăn mà quan trọng hơn, thói quen tiêu dùng của người dân đang dần thay đổi do những năm gần đây cơ quan chức năng và nhiều nhà chùa cũng tuyên truyền về việc giảm thiểu đốt vàng mã tránh hỏa hoạn, ô nhiễm môi trường và lãng phí.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Mai Thị Chung (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho hay năm nay chị cũng chỉ sắm một vài món đồ đơn giản như tiền vàng làm lễ. Chị Chung cho rằng quan trọng là thành tâm.
"Các cụ ở nhà mình sẽ hiểu và phù hộ cho mình. Thay vì mua sắm những món đồ vàng mã đắt tiền, tôi nghĩ sử dụng số tiền đó làm những việc giúp ích cho đời như từ thiện, giúp đỡ bà con khó khăn… Đó mới là các việc làm thiết thực, tích công đức, là cách báo hiếu tốt nhất cho ông bà tổ tiên", chị Chung nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Lan (30 tuổi, ngụ quận 5) cho rằng đốt vàng mã, đồ mã cũng chẳng khác gì đi đốt tiền thật, lãng phí và ô nhiễm môi trường, đặc biệt trong thời kỳ khó khăn như hiện nay.
"Tôi cho rằng cúng lễ quan trọng là thành tâm mong cho cả gia đình bình an, hạnh phúc, chăm đi chùa, ăn chay sẽ thiết thực hơn nhiều", chị Lan chia sẻ.
Video gây sốt: Xe sang, xe tăng, máy bay vàng mã cho người cõi âm
Tiết Thanh minh, con cháu đi sửa sang phần mộ tổ tiên, thắp nén hương, đốt vàng mã. Trong video gây chú ý, cả một cánh đồng toàn vàng mã mô phỏng nhà lầu, xe sang, xe quân sự...
NHẬT XUÂN