Số hóa truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Ngồi ở Hà Nội vẫn biết từng quả xoài ở Đồng Tháp
Tâm An Nhà báoXem các bài viết của tác giả
28/02/2023 16:19 (GMT+07:00)
Dữ liệu truy xuất nguồn gốc dựa trên nền tảng thiết bị thông minh giúp các đối tác nhập khẩu ở nước ngoài có thể giám sát từng giai đoạn sản xuất trên đồng ruộng của người nông dân, ngồi ở Hà Nội cũng biết chi tiết từng cây xoài ở Đồng Tháp.
Mọi thông tin sẽ được minh bạch
Tại diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm”, do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 28/2, bà Nguyễn Thị Nga - Điều phối viên dự án của ACIAR, nhấn mạnh rằng, công nghệ giúp hoạt động truy xuất nguồn gốc xuất xứ minh bạch hơn.
Bà dẫn chứng về dự án thí điểm kiểm soát việc tuân thủ quy trình VietGAP và chất lượng bằng kỹ thuật số trong chuỗi giá trị rau Việt Nam (đang triển khai ở Mộc Châu, Sơn La). Ở đó, người dân ứng dụng ghi chép điện tử để nhập thông tin sản xuất; in tem nhãn tại trang trại với thông tin sản phẩm, mã QR và mã vạch cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.
Quét mã QR, người tiêu dùng có thể biết được về nguồn gốc sản phẩm (Ảnh minh hoạ)
Ngoài ra, phần mềm mới có thể liên kết tất cả, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR sẽ được cung cấp thông tin về nông dân và cây trồng. Nhà bán lẻ chỉ cần quét mã QR sẽ có thông tin về VietGAP và sự tuân thủ, truy xuất nguồn gốc, nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình vận chuyển. Nhật ký truy xuất việc tuân thủ VietGAP cho từng chuyến hàng sẽ được hệ thống xây dựng báo cáo tuân thủ cho từng lô hàng được lưu trữ bằng điện toán đám mây, bà Nguyễn Thị Nga cho hay.
Theo ông Lê Quý Kha - Công ty Cổ phần Đại Thành, dữ liệu truy xuất nguồn gốc dựa trên nền tảng thiết bị thông minh, quản lý, phân tích về toàn bộ quá trình sản xuất từ gieo trồng đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến, sơ chế, tình trạng quản lý cây trồng, tình trạng quản lý vật tư nông nghiệp.
"Thông qua đó, các đối tác nhập khẩu sản phẩm ở nước ngoài cũng có thể theo dõi, giám sát từng giai đoạn sản xuất trên đồng ruộng của người nông dân tại Việt Nam thông qua dữ liệu hình ảnh từ camera. Hay như, ngồi ở Hà Nội cũng biết chi tiết từng cây xoài ở Đồng Tháp được chăm bón ra sao, thu hoạch trái như thế nào, vận chuyển bằng phương tiện gì. Tất cả đều được minh bạch", ông Kha nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoài Nam – đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, cho biết, hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG) của Bộ NN-PTNT được cài đặt và vận hành chính thức tại địa chỉ: http://checkvn.mard.gov.vn/
Hệ thống đã xây dựng được 3 phân hệ chính gồm: Cổng thông tin TXNG; Hệ thống quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về TXNG dành cho đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; Cho phép khai thác sử dụng bằng ứng dụng trên thiết bị di động trong việc tìm kiếm, truy vết, tra cứu thông tin nguồn gốc sản phẩm.
Thời điểm hiện tại, hệ thống đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống TXNG của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm.
Truy xuất nguồn gốc phải làm thật, nói thật
Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri, khẳng định, truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin sản phẩm là điều kiện vô cùng quan trọng và cực kỳ hữu ích đối với người sản xuất cũng như cung ứng sản phẩm để bảo vệ thương hiệu của mình đồng thời quảng bá sản phẩm, bảo vệ nhà cung cấp.
Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ số phục vụ truy xuất nguồn gốc, bà cho rằng nền tảng ứng dụng cho nó phải linh hoạt. Không thể đưa nền tảng đồng nhất ứng dụng cho tất cả mọi nơi.
Số hoá truy xuất nguồn gốc để minh bạch thông tin với người tiêu dùng, song cần làm thật, nói thật (Ảnh: Tư liệu)
Bà Thực đưa ra ví dụ, một hộ dân nêu băn khoăn: “Chúng tôi không dùng hoá chất này. Tôi dùng những chế phẩm sinh học tự tạo ra trong quá trình sản xuất sản phẩm, thì chúng tôi có được kê vào hồ sơ không hay tôi lại phải bê đúng (thông tin) của người khác như vậy?”. Theo bà, người nông dân phải được quyền nói thật, làm thật.
Ngoài ra, cần phải có phần mềm phù hợp, đặc biệt là phải phù hợp với trình độ của người sử dụng. Ví như những người dân không biết chữ, không có máy vi tính thì người ta cũng phải tiếp cận được, bà Thực kiến nghị.
Ông Mai Quang Vinh - Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam, nêu thực trạng tạo mã QR cho mỗi sản phẩm rất dễ, người dùng chỉ mất vài giây là có thể có thông tin. Do đó, nếu không có tư duy tốt, việc số hóa và quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này sẽ rất lỏng lẻo; doanh nghiệp thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.
Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp Nguyễn Quốc Toản, nhấn mạnh, Chính phủ đang chuyển trọng tâm từ quản lý sang quản trị, từ hành chính nhà nước sang phục vụ doanh nghiệp. Do đó, để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ nhà nước tới doanh nghiệp, HTX và nông dân. Cùng với đó,vấn đề truy xuất nông sản còn đóng vai trò phục vụ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế sẽ nâng cao tính minh bạch, giải trình cho ngành hàng, quyền lợi của nông dân,…
"Với những giá trị to lớn trên, chúng ta làm không phải chỉ vì 1 con tem, mà là trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và suy rộng ra là tính giải trình của nền nông nghiệp”, ông Toản lưu ý.
Về các giải pháp cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, ông cho rằng, cần có các cơ chế, hành lang tạo điều kiện, làm sống ứng dụng bởi bất kỳ phần mềm nào cũng cần thời gian vận hành và xây dựng dữ liệu. Bên cạnh đó, phải hệ thống hóa các quy trình sản xuất, quy trình chế biến và có tính liên thông giữa các quy trình.
Hiện nay, Việt Nam có 19.000 HTX nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1. Đây là các dữ liệu cấu thành Big data của ngành nông nghiệp. Do đó, truy xuất nguồn gốc phải tổng thể và rất cụ thể để bao quát được dữ liệu khổng lồ, ông Toản khẳng định.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải xoá 'lời nguyền' nông nghiệp mù mờTheo Bộ trưởng Hoan, nhiều khi muốn hỗ trợ, muốn mua sản phẩm tốt nhưng không biết người nông dân ở đâu. Nông nghiệp Việt từ trước đến nay còn mù mờ và bây giờ phải xóa lời nguyền nông nghiệp mù mờ ấy.
Bình luận