Nhằm đánh giá, biểu dương các thành phần tham gia tổ chức sự kiện, chiều 5/4, tại Quảng Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức buổi tổng kết hội nghị.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, chủ trì buổi tổng kết đánh giá về "Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh" diễn ra từ ngày 31/3 đến 1/4 tại Quảng Ninh. Ảnh: Hồng Thắm.
Ông Nguyễn Minh Sơn đánh giá: “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh đã kết thúc thành công tốt đẹp. Sau Hội nghị, nhiều tin vui và tín hiệu tích cực mở ra, đặc biệt đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Quảng Ninh”.
“Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 13 về tăng cường công tác quản lý và phát triển thủy sản trên biển. Sau Hội nghị vừa rồi, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể về phát triển bền vững thủy sản của tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến 2045, nâng cấp Chỉ thị thành Nghị quyết của Ban Thường vụ tỉnh ủy về phát triển kinh tế thủy sản”, ông Sơn nói thêm.
Buổi tổng kết đánh giá về "Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh" diễn ra chiều 5/4 tại Quảng Ninh. Ảnh: Hồng Thắm.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Sơn, sắp tới, Quảng Ninh sẽ chỉnh trang lại cảng cá và sẽ đầu tư thêm 3 cảng, 1 cảng ngành hàng, 1 cảng tổng hợp ở huyện Đầm Hà và 1 khu hậu cần phát triển nuôi biển của tỉnh ở Hạ Long. Ngoài ra, tỉnh cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh nghiên cứu hoàn thiện mô hình bảo tồn, bảo vệ khu vực biển.
“Đây là lần đầu tiên Cục Thủy sản, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cùng kết nối thực hiện một chương trình, nhưng đã rất thành công, sau Hội nghị đã mở ra nhiều việc cần tiếp tục phải làm”, ông Sơn nhấn mạnh.
Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Lê Trọng Đảm chia sẻ, Báo rất vui khi được đồng hành cùng các đơn vị để tổ chức “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh”. Thời gian chuẩn bị không nhiều nhưng kết quả đã để lại những dư âm tuyệt vời, hiệu ứng truyền thông rất tốt.
“Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của các diễn giả, sự tham dự đông đảo của các đại biểu trong nước và quốc tế. Lễ thả cá giống quy mô lớn và rất chuyên nghiệp, mang lại nhiều cảm xúc. Sản phẩm quà tặng rất ý nghĩa, thể hiện và quảng bá được các sản phẩm thủy sản từ Quảng Ninh… Thời gian tới, tiềm năng phối hợp giữa các đơn vị còn rất nhiều”, ông Lê Trọng Đảm cho hay.
Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Lê Trọng Đảm phát biểu
Ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nói thêm, thông qua Hội nghị lần này, báo chí, bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao về công tác truyền thông cũng như cách tổ chức sự kiện của Quảng Ninh.
Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức sự kiện, đặc biệt gần đây nhất là Hội nghị toàn cầu Hệ thống Lương thực, thực phẩm bền vững, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023... Đây là những sự kiện mang tầm quốc tế, đã tạo được tiếng vang và uy tín trong nước và ngoài nước. Theo đó, Phó Tổng biên tập Trần Văn Cao bày tỏ mong muốn tiếp tục được hợp tác và nâng cao chất lượng hợp tác về mọi mặt trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Cao cũng chia sẻ ý định thực hiện loạt bài viết bằng tiếng Anh giới thiệu tiềm năng, thế mạnh nuôi biển của Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng cũng như các vấn đề liên quan đến bảo tồn biển ở Quảng Ninh hiện nay.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh: “Những người làm công tác phát triển thủy sản như chúng tôi rất vui. Biển thì bao la nhưng người quan tâm, yêu biển, muốn phát triển tiềm năng biển thì chưa nhiều. Cần một địa phương đi đầu để lan tỏa tinh thần cho các tỉnh, thành phố khác. Quảng Ninh đã làm rất tốt điều này sau Hội nghị nuôi biển vừa qua”.
Ông Luân đánh giá, Hội nghị đã rất thành công, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm, tạo được tiếng vang lớn. Hội nghị còn mang lại hiệu quả kép khi sắp đón Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam về vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), để phía bạn thấy rằng những động thái của chúng ta là thực sự đang muốn giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản, hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Ông Luân nói: “Hội nghị đã thành công, nhưng sau Hội nghị còn rất nhiều thứ phải làm. Phải xây dựng vùng nuôi xanh-sạch-đẹp, sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Dung lượng thị trường rất lớn nhưng cách sản xuất manh mún khó chinh phục được, chỉ có cách tổ chức sản xuất thì mới chiếm được dung lượng của thị trường. Chúng ta cố gắng để làm sao 5 năm nữa nhìn từ trên cao sẽ thấy những trang trại nuôi biển như mong muốn. Tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt rồi nhưng thời gian tới cùng nhau làm tốt hơn nữa”.
Ông Nguyễn Minh Sơn kết luận: Đây là lần đầu tiên các đơn vị phối hợp với nhau nhưng rất nhịp nhàng và hài hòa, tuy vẫn còn một số điểm cần phải rút kinh nghiệm nhưng không đáng kể. Hội nghị đã thành công về mọi mặt. Đã có những doanh nghiệp, tập đoàn lớn sắp tới sẽ đầu tư phát triển nuôi biển tại Quảng Ninh.
Cũng theo ông Sơn, thời gian tới, sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn cho nuôi biển; tuyên truyền về những khu bảo tồn biển; tiếp tục phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị để tổ chức nhiều sự kiện; xây dựng kế hoạch nhằm thu hút đầu tư; tổ chức những hội nghị chuyên đề, tập huấn kỹ thuật, học hỏi những mô hình cộng đồng quản lý tốt; nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù để thu hút lĩnh vực nuôi biển, nuôi trồng thủy sản, thành lập lực lượng kiểm ngư…”.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức, Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh diễn ra từ ngày 31/3 - 1/4 tại Quảng Ninh vừa qua đã thu hút 450 đại biểu tham dự trực tiếp và 3.619 đại biểu dự trực tuyến tại hơn 200 điểm cầu, trong đó có 30 đại biểu quốc tế, 72 đại biểu Trung ương, 35 đại biểu của 14 tỉnh, thành phố ven biển, 121 đại biểu của tỉnh Quảng Ninh, 115 doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh cùng 77 phóng viên của 40 báo, đài trong và ngoài tỉnh.
PV