Phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững

28/05/2024 10:32

LTS: Với đặc thù địa hình và trình độ dân trí nên miền Tây xứ Nghệ vẫn còn rất nhiều gia đình khó khăn. Vì vậy, để giảm nghèo bền vững, chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.Bài 1: Xoá đói giảm nghèo ở nơi từng là “thủ phủ” cây thuốc phiện“Khai tử” cây thuốc phiện bằng vườn mận Tam Hoa

Mường Lống được ví là “cổng trời” xứ Nghệ, nằm giữa thung lũng trên một đỉnh núi cao gần 1.500m thuộc dãy Trường Sơn, gần biên giới Việt - Lào. Nhờ không khí mát mẻ, hàng chục năm trước, nơi đây từng là một trong những “thủ phủ” trồng cây thuốc phiện.

Đến năm 1996, Đảng và Nhà nước chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện. Ban đầu, việc xóa bỏ loài cây này là không hề đơn giản, người nghiện chống đối rất quyết liệt, người dân cũng phản đối bởi họ cho rằng đó là nguồn sống mà không ai được đụng đến.

Do thời ấy, nương rẫy của người Mông chủ yếu trồng loại cây này, vừa để sử dụng, vừa bán cho các tay buôn, thậm chí thổ phỉ để lấy tiền. Quá phụ thuộc vào loài cây chết người này nên kinh tế người dân không thể phát triển, thậm chí các tệ nạn xã hội càng nhiều hơn.

Phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững

Xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn được ví là “Sapa ở Nghệ An” khi có khí hậu mát mẻ, với những mái nhà sa mu vô cùng đặc trưng của đồng bào người Mông.

Ông Và Chá Xà, Chủ tịch UBND xã Mường Lống nhớ lại, xoá bỏ cây thuốc phiện là một “cuộc chiến” rất nan giải. Cũng vì vậy, công cuộc vận động bà con xóa bỏ cây thuốc phiện để trồng các loại cây khác phải tiến hành nhiều năm trời mới xong.

Nhưng với quyết tâm xóa bỏ bằng được loại cây này, cán bộ chính quyền địa phương và cơ quan công an những năm đó đã vất vả tuyên truyền, vận động, khuyên nhủ từ người nghiện đến từng người dân không tái trồng cây thuốc phiện.

Đồng thời, phòng nông nghiệp cũng nghiên cứu đưa về những loại cây lương thực hoa màu cho người bản no cái bụng. Song song với đó, người dân cũng được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi heo, trâu bò, gà đen… để có thu nhập.

“Trước những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp chính quyền, cho đến nay, Mường Lống hoàn toàn sạch bóng cây thuốc phiện. Những nương rẫy ngập tím trong màu hoa anh túc đã được thay thế bằng cây mận, cây đào”, Chủ tịch xã Mường Lống cho hay.

Phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững

Để xoá bỏ cây thuốc phiện, cây mận được đưa về trồng thay thế do thích hợp với khí hậu ở Mường Lống.

Trong đó, cây mận Tam Hoa có nguồn gốc từ tỉnh Lào Cai, cũng xuất phát từ các chương trình, dự án hỗ trợ xóa cây thuốc phiện đã được đưa về trồng thay thế tại xã Mường Lống vào năm 1995.

Mận Tam Hoa có tên khoa học là Prunus salicina là cây gỗ nhỏ, phân cành nhiều, ưa thời tiết mát mẻ, khả năng chịu hạn, cây lá đơn, mép nguyên, rụng lá vào mùa Đông, hoa trắng, đẹp.

Lãnh đạo xã Mường Lống cho biết, cây mận Tam Hoa thích nghi với khí hậu ở Mường Lống nên sinh trưởng tốt, cho nhiều trái. Nguyên do mận Tam Hoa là loại cây ăn quả lâu năm, rụng lá vào mùa Đông và được trồng chủ yếu ở các vùng ôn đới nơi có độ cao trên 500m so với mực nước biển. Cây thường ra hoa vào đầu mùa Xuân và cho thu hoạch quả vào đầu mùa Hè.

Phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững

Mận Mường Lống to, giòn, ngọt lại được trồng hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Đến nay, mận Tam Hoa không chỉ có ở xã Mường Lống, mà còn được mở rộng ra các xã xung quanh gồm Tây Sơn, Nậm Cắn, Huổi Tụ... Toàn huyện Kỳ Sơn hiện đã có 46ha cây mận, trong đó riêng xã Mường Lống có 23ha.

“Năm nay mận được mùa hơn 2 năm trước, ước tính đạt 30 tấn. Đầu mùa, mận được thu mua với giá 30.000 đồng/kg. Ngoài thu nhập từ bán quả, nhiều hộ dân trồng mận ở Mường Lống còn liên kết với nhau để làm du lịch. Dưới tán những gốc mận cổ thụ, người dân dọn dẹp cỏ, làm tiểu cảnh để đón du khách vào tham quan, hái mận hoặc chụp ảnh mùa hoa mận nở trắng xóa”, Chủ tịch xã Mường Lống cho biết.

Theo đại diện lãnh đạo xã, nếu được hỗ trợ về thương hiệu, quảng bá sản phẩm, có thị trường, có đầu ra ổn định, Mường Lống có thể mở rộng trên 100ha diện tích, tăng thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng

Ông Phan Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho biết, cũng từ cây đào, cây mận, tư duy làm kinh tế của bà con người Mông ở Mường Lống cũng dần hình thành, thay đổi.

Phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững

Ngày hội hái mận được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu mận Tam Hoa đến người dân, du khách.

Vườn mận Mường Lống trở nên nổi tiếng cách đây vài năm với hình ảnh hoa mận nở trắng núi rừng mỗi dịp Tết đến xuân về. Cũng vì vậy, hàng nghìn du khách thập phương đã tìm về để tham quan, chiêm ngưỡng. Thời gian gần đây, cây mận đang ngày càng được khôi phục, tạo ra giá trị phát triển du lịch cho địa phương.

“Ngày 19/5 vừa qua, tại xã Mường Lống, UBND huyện Kỳ Sơn phối hợp cùng Hội Nông dân huyện tổ chức “Ngày hội hái mận năm 2024”. Đây là sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu mận Tam Hoa đến người dân, du khách và các thương lái”, ông Mạnh nói.

Đây là lần thứ hai huyện Kỳ Sơn tổ chức ngày hội hái mận tại xã Mường Lống. Mận Mường Lống to, giòn, ngọt lại được trồng hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được nhiều người ưa thích. Ngày hội hái mận có sự tham dự của đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Kỳ Sơn và du khách trong và ngoài huyện.

Ngày hội hái mận năm 2024 diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi như văn nghệ, thi hái mận, ăn mận, chọi trâu, bò,… Không chỉ vậy, đến với ngày hội hái mận này du khách còn được trải nghiệm ẩm thực, cùng tham gia các hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào người Mông, cảm nhận không khí mát mẻ ở Mường Lống.

Phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững

 Với gần 300 gốc mận, gia đình ông Pó thu về hàng chục triệu đồng/năm.

Ông Hờ Chồng Pó, trú bản Mường Lống 2, xã Mường Lống cho biết, năm nay mận được mùa, lại chín sớm hơn những năm trước nên người dân rất phấn khởi. Gia đình ông Pó có vườn mận Tam Hoa gần 300 gốc, ước tính cho thu nhập khoảng 40 - 50 triệu đồng.

“Đông nhất là mùa hoa mận nở, du khách về rất đông. Hiện người dân đang muốn quảng bá vườn mận để phát triển du lịch nên chưa thu vé vào vườn, mà chỉ ai mua mận thì bán thôi”, ông Pó nói.

Tuy nhiên, theo ông Pó, mùa mận chín chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhiều nhất là vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, bởi vậy trong thời gian tới cần thu hoạch nhanh, bán nhanh để được giá.

Phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững

 Phát triển vườn mận cùng với du lịch là hướng phát triển giúp người dân Mường Lống thoát nghèo vững chắc.

Chị Vi Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm điều phối du lịch miền Tây xứ Nghệ cho biết, những năm gần đây các vườn mận ở Mường Lống thường thu hút một số lượng lớn du khách tìm về mỗi mùa hoa nở, hoặc mùa thu hoạch quả. Đơn vị này cũng thường xuyên tập huấn cho người dân địa phương từ cách tiếp khách, bán hàng… để phát triển du lịch cộng đồng.

“Miền Tây Nghệ An nói chung và Mường Lống nói riêng có cảnh đẹp, du khách đến cũng rất thích thú. Chúng tôi tổ chức tập huấn cho bà con phát triển du lịch cộng đồng, từ chào đón, tiếp khách,... Tất cả đều “cầm tay chỉ việc” cùng bà con đồng bào người Mông phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo”, chị Thắm nói.

Kỳ Sơn là một trong những huyện nghèo và khó khăn nhất cả nước, có 19/21 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, dân cư sống rải rác, giao thông đi lại khó khăn, cách trở. Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%, như: Thái, Khơ Mú và H.Mông. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 49,68%, địa phương này đang nỗ lực đến cuối 2025 số hộ nghèo còn 40%.Bài 2: Vận dụng thế mạnh chăn nuôi, phát triển kinh tế hướng tăng trưởng xanh

Theo Nguồn www.nguoiduatin.vn

Phát huy nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững - Thông Tin