Trong 7 sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nhận quyết định của Chủ tịch nước làm nhiệm vụ quốc tế tháng 11/2022, có nữ Trung tá Vũ Thị Liên, sĩ quan đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Huấn luyện của Liên minh châu Âu ở CH Trung Phi (EUTM RCA).
Hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA) được ký kết năm 2019. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á và thứ hai ở châu Á ký kết hiệp định này.
Đây cũng là lần đầu Việt Nam cử 2 sĩ quan làm nhiệm vụ tại EUTM RCA góp phần thúc đẩy thực hiện các nội dung trong hiệp định FPA.
EUTM RCA được triển khai từ tháng 7/2016 với trụ sở ở thủ đô Bangui. Mục tiêu của EUTM RCA là đưa ra các khuyến nghị chiến lược cho Văn phòng Nội các, Bộ Nội vụ, lực lượng cảnh sát cũng như quân đội CH Trung Phi. EUTM RCA sẽ góp phần cải cách ngành an ninh, cũng như giúp hiện đại hóa lực lượng vũ trang của CH Trung Phi theo hướng hoạt động hiệu quả.
Trung tá Vũ Thị Liên
Trong chuyến thăm Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Jean-Pierre Lacroix rất ấn tượng với Trung tá Vũ Thị Liên khi chị có thể thành thạo sử dụng 2 ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp và là nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tại EUTM RCA.
Khuôn mặt rạng ngời, luôn nở nụ cười tươi, xinh đẹp và tự tin trong bộ quân phục lực lượng gìn giữ hòa bình, Trung tá Vũ Thị Liên tạo được sự gần gũi, cuốn hút cho những người lần đầu gặp mặt.
Xuất phát điểm là giảng viên tiếng Pháp tại Học viện Quân y rồi được luân chuyển công tác về Phòng Sau đại học tại Học viện Kỹ thuật quân sự, Trung tá Vũ Thị Liên có 10 năm làm việc trong lĩnh vực đào tạo. Lúc này Việt Nam đã bắt đầu cử những sĩ quan đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
“Các phương tiện truyền thông trong nước và thế giới nói rất nhiều về những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Ở Học viện Kỹ thuật quân sự đã có 2 người tham gia vào nhiệm vụ này, đó là Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga và Thượng tá Lê Ngọc Sơn.
Phái bộ Huấn luyện của Liên minh châu Âu ở CH Trung Phi.
Tôi có một gia đình với những thế hệ phục vụ trong quân đội, bản thân được rèn luyện trong môi trường quân đội đã tạo cho mình tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ”, Trung tá Vũ Thị Liên nói về cơ duyên và động lực đến với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.
Rời giảng đường đại học, vì tình yêu với chiếc mũ nồi xanh của lực lượng gìn giữ hòa bình, Trung tá Vũ Thị Liên bắt đầu thử sức với nhiệm vụ mới từ tháng 1/2021. Đến tháng 5/2021, chị được giao nhiệm vụ chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ huấn luyện của EU tại Trung Phi.
Trước nhiệm vụ mới, Trung tá Vũ Thị Liên tích cực chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho bản thân, tham gia các khóa tập huấn trong và ngoài nước.
Những tháng ngày dài chuẩn bị, hẳn không mấy ai hiểu được những khó khăn, vất vả của những nữ chiến sĩ gìn giữ hòa bình. Sẵn sàng lên đường luôn là một ý niệm, quyết tâm thường trực trong suy nghĩ, trong huấn luyện, học tập. Chị Liên cảm thấy may mắn khi học được rất nhiều kỹ năng sinh tồn, cách ứng xử và phương pháp đàm phán bên cạnh kiến thức về quân sự. Những người tham gia giảng dạy đã công tác ở Phái bộ nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm thực tế để truyền đạt.
Trung tá Vũ Thị Liên (chính giữa) cùng sĩ quan các nước trong chuyến tập huấn tại Hàn Quốc.
“Khi mình đi một con đường mới luôn luôn sẽ có khó khăn, thử thách. Rất nhiều đồng đội của tôi đã đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, người này truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng cho người kia. Nhưng với Phái bộ huấn luyện của EU trước nay chưa có sĩ quan Việt Nam nào tham gia, tất cả những gì tôi học được, tìm hiểu đều trên lý thuyết”, chị Liên chia sẻ về những khó khăn ban đầu.
Tại CH Trung Phi, Phái bộ được đặt tại thủ đô Bangui, an ninh chính trị bất ổn, điều kiện sinh hoạt, dịch bệnh…luôn tiềm tàng những nguy hiểm, do đó công tác chuẩn bị cho các sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ càng cần thiết.
Nhiệm vụ chính của Trung tá Liên tại Phái bộ là cố vấn về huấn luyện, tham gia xây dựng chương trình đào tạo, lưu trữ dữ liệu học viên, lập kế hoạch kiểm tra đánh giá, mở lớp đào tạo... Chị Liên cho biết đây là điều may mắn và có duyên vì những công việc này gần giống như khi chị công tác tại Học viện Kỹ thuật quân sự.
Một yêu cầu đặc biệt khác đối với quân nhân làm việc tại Phái bộ của EU là phải biết tối thiểu 2 ngôn ngữ Anh và Pháp. Nữ quân nhân Vũ Thị Liên trước kia chỉ được học tiếng Pháp, nay học thêm tiếng Anh chị gần như bắt đầu từ con số 0.
Tuy nhiên nhờ sự cố gắng “học ngày học đêm”, trong suốt 4 tháng, nhờ sự giúp đỡ từ đồng nghiệp chị đã hoàn thành được mục tiêu. Chị Liên cho biết, do người dân Trung Phi sử dụng chủ yếu tiếng Pháp nên chị sẽ thuận lợi hơn khi giao tiếp bằng ngoại ngữ này.
Trung tá Vũ Thị Liên đã sang châu Phi thực hiện nhiệm vụ từ cuối tháng 12/2022.
Khá nhiều ý tưởng, dự định được Trung tá Vũ Thị Liên ấp ủ khi sang Trung Phi, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ Phái bộ giao mà chị còn phải hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội tin tưởng giao phó.
Là sĩ quan Việt Nam đầu tiên nên chị cần phải tìm hiểu về tình hình triển khai lực lượng các nước, cơ chế chính sách các nước áp dụng để từ đó tham mưu trong nước xây dựng những văn bản quy phạm cho riêng việc cử sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ EU.
Một nhiệm vụ quan trọng khác đó là phải quảng bá đến bạn bè quốc tế hình ảnh bộ đội cụ Hồ, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam yêu nước, ưa chuộng hòa bình, đặc biệt là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.
Mạnh mẽ không kém những đồng nghiệp, nhưng ngoài đời chị cũng như bao người phụ nữ khác, cũng là mẹ, là vợ của gia đình. Bởi vậy, khi nhận nhiệm vụ, không tránh khỏi băn khoăn lo lắng việc ở nhà.
“Gia đình tôi lúc đầu cũng lo lắng, không ủng hộ cho việc tôi nhận nhiệm vụ này nhưng bản thân quyết tâm đã làm gì phải làm bằng được, thuyết phục hai bên gia đình theo hướng ‘mưa dầm, thấm lâu”. Chồng tôi cũng công tác trong ngành quân đội nên anh hiểu và thông cảm cho tôi rất nhiều”, chị Liên chia sẻ.
Cậu con trai học lớp 3 và con gái đang học lớp 9, chị chuẩn bị tinh thần cho các con khi thường xuyên vắng nhà đi tập huấn. Câu chuyện về nhiệm vụ gìn giữ hòa bình được chị đan xen trong các bữa ăn, những lúc chơi và dạy con học bài.
Chị chia sẻ, trong chuyến tập huấn ở Hàn Quốc 2 tuần hồi tháng 4/2022, cậu con trai bất ngờ gọi điện nói “con nhớ mẹ lắm”.
“Lúc này tôi đã sụt sùi, muốn khóc rồi, nhưng cố gắng lặng đi vài giây thì con an ủi rằng mẹ ơi không sao đâu, coi như lần này là tập luyện vì ít nữa mẹ đi tận một năm cơ mà”, chị Liên kể và cho hay, khi nghe con nói vậy thì vừa thương con, vừa xúc động và phần nào yên tâm vì con còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện.
Chị Liên xúc động nói thêm: “Trái tim con trai tự làm tặng từ đợt tôi đi tập huấn ở Hàn Quốc, Australia với dòng chữ ‘I love mom’ được tôi giữ như vật báu, cũng là vật quan trọng trong hành trang tới Trung Phi”.
Điều đặc biệt ở nữ Trung tá Công an đầu tiên tham gia gìn giữ hòa bình
Trong tháng 9 này, nữ Trung tá Lương Thị Trà Vinh (41 tuổi) sẽ nhận quyết định, lên đường làm nhiệm vụ, trở thành nữ sĩ quan đầu tiên của lực lượng CAND Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan.
Những ‘cô Tấm’ mũ nồi xanh với hành trang áo dài, áo tứ thân sang châu Phi
Giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, sẵn sàng cống hiến hết mình, những nữ bác sĩ quân y mũ nồi xanh còn là “đại sứ văn hóa”, mang tình cảm, tinh thần Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và người dân ở châu Phi.
Điều sĩ quan quốc tế 'rỉ tai nhau' sau mỗi lần đến thăm lính mũ nồi xanh Việt Nam
Không chỉ được người dân bản địa quý mến, các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam còn tạo được ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế. Các sĩ quan nước bạn được tiếp đón niềm nở với những trải nghiệm văn hóa, ẩm thực khó quên.
Bình luận