Ngày 30/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI phối hợp Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Tài nguyên Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chương trình "Đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2022" (CSI 2022). Năm thứ bảy liên tiếp, sự kiện biểu dương các doanh nghiệp có trách nhiệm ở ba khía cạnh: kinh tế - xã hội - môi trường.
Bà Trần Phương Ngọc Thảo - thành viên HĐQT, Trưởng tiểu ban ESG Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) - trình bày kinh nghiệm về chủ đề "Nâng cao quyền năng phụ nữ và quyền con người thông qua bộ chỉ số CSI".
"Với sứ mệnh không ngừng sáng tạo, mang lại những sản phẩm tinh tế và có giá trị thật, PNJ luôn chú trọng nâng cao quyền năng phụ nữ, con người thông các các hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, marketing, tiếp thị bán hàng, hoạt động CSR...", bà Ngọc Thảo cho hay.
Bà Trần Phương Ngọc Thảo, Thành viên HĐQT, Trưởng tiểu ban ESG PNJ.
Đại diện PNJ cho biết từ ngày đầu đã xây dựng triết lý kinh doanh: "đặt lợi ích khách hàng và xã hội vào lợi ích doanh nghiệp". Từ năm 2015, đơn vị sớm tiếp cận các chỉ số CSI, thuận lợi hơn trong việc chuyển hóa và áp dụng các chỉ số phát triển bền vững.
Theo bà Ngọc Thảo, tại PNJ, con người là trung tâm mọi nguồn lực và tài sản quý giá nhất. Trong đó, lực lượng lao động nữ chiếm đa số với 61%, còn lượng khách cũng đa phần là nữ, gần 90%.
Số lượng lao động nữ tại PNJ chiếm ưu thế, đa dạng lứa tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo và chuyên môn.
Cụ thể, PNJ chú trọng các chỉ số: văn hóa cốt lõi tôn trọng sự khác biệt, tạo "mái nhà hạnh phúc"; tầm soát sức khỏe định kỳ; phúc lợi thai sản. Bên cạnh đó là chương trình "sống khỏe" với CLB Yoga, Aerobic, nhiều diễn đàn sức khỏe, gia đình, giáo dục con cái cho nữ nhân viên...
Doanh nghiệp còn đẩy mạnh chăm sóc nhân viên thời dịch, tiêm vaccine (cho nhân viên lẫn người thân) và điều chỉnh tăng thu nhập năm 2021 cho gần 5.000 nhân sự với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau".
Bên cạnh hoạt động nội bộ, tập đoàn còn đẩy mạnh các dự án cộng đồng: gắn kết cộng đồng nữ doanh nhân, hỗ trợ gần 2.000 thai phụ khó khăn trong chương trình "Đồng hành vượt cạn", dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" và "Siêu thị mini 0 đồng"...
Chương trình "Siêu thị mini 0 đồng" năm 2021 trợ giúp hàng trăm nghìn gia đình khó khăn trên cả nước.
Trong chiến lược tiếp thị, hướng đến bình đẳng giới tính qua chương trình Tình yêu đích thực, Điều phi thường của yêu thương... PNJ đưa ra cái nhìn tiến bộ về tình yêu, hôn nhân. Cụ thể, doanh nghiệp muốn truyền tải thông điệp: yêu thương không giới hạn giới tính, ngoại hình, hoàn cảnh và định nghĩa "đẹp đôi" đến từ sự chân thành, phá vỡ định kiến lẫn quan niệm cũ.
Những hoạt động trên mang đến cho PNJ nhiều "trái ngọt", trở thành nhà sản xuất, chế tác trang sức xuất sắc thế giới (giải thưởng ngành kim hoàn Jewellery World Awards 2021), đứng thứ hạng cao trong các cuộc bình chọn "Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam" và "Nhà tuyển dụng yêu thích".
Theo đại diện doanh nghiệp, nâng cao hoạt động quản trị cũng là cách tăng cường tính đa dạng trong nhân sự, đảm bảo chất lượng khi ra quyết sách và gia tăng hiệu quả kinh doanh, tăng khả năng thu hút, giữ chân nhân tài. Quan trọng nhất, CSR giúp đơn vị thấu hiểu khách hàng, nhận đồng cảm, ủng hộ của cộng đồng.
Đầu năm nay, PNJ công bố thành lập "Tiểu ban Môi trường, Xã hội và Quản trị" (ESG). Theo đó, doanh nghiệp sẽ chuẩn hóa hoạt động phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Cấp lãnh đạo sẽ sát sao, kỳ vọng nâng tầm chiến lược dài hạn và mở ra tương lai mới cho tập đoàn.
Đại diện PNJ cho hay: "Chúng tôi mong nâng cao vị thế, hình ảnh phụ nữ trên mọi lĩnh vực, xóa rào cản phân biệt giới. Đồng thời quan tâm quyền con người hơn nữa, nhất là nhóm người yếu thế. 'Kinh doanh có trách nhiệm' là tiêu chí, kim chỉ nan của PNJ và bộ chỉ số CSI tiếp tục là căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững, được áp dụng dài hạn.
Vạn Phát (Ảnh: PNJ)