Mâm cỗ cúng rằm tháng 8 không cần cầu kỳ như rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy nhưng vẫn phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Dưới đây là mâm cúng rằm tháng 8 theo gợi ý của chuyên gia ẩm thực.
Cúng rằm tháng 8 là nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm cơm đầy đủ để dâng lên tổ tiên, thần linh với mục đích cầu bình an, gia đạo hòa thuận.
Bên cạnh đó, gia chủ cũng sẽ chuẩn bị mâm cỗ trông trăng để vào lúc trăng lên cao, cả gia đình sẽ quây quần dưới ánh trăng cùng phá cỗ Trung thu.
Tùy theo phong tục của từng địa phương hoặc lối sống của từng gia đình mà mâm cúng rằm tháng 8 có sự thay đổi sao cho phù hợp. Tuy nhiên nhìn chung, mỗi mâm cúng rằm tháng 8 sẽ bao gồm: bánh nướng, bánh dẻo, các loại hoa quả, hương hoa và đèn nến...
Mâm cỗ cúng rằm tháng 8 không cần cầu kỳ nhưng vẫn phải đủ đầy và cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. (Ảnh minh họa: VTC).
Trong khi đó, theo nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết (Hà Nội), mâm cúng rằm tháng 8 có thể chuẩn bị các món ăn chay hay mặn. Nếu không có điều kiện và thời gian, gia chủ có thể chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo đơn giản để thắp hương vào sáng ngày rằm.
Đối với mâm cúng mặn, người nội trợ có thể chuẩn bị gà, xôi, các món ăn truyền thống hoặc theo khẩu vị gia đình.
Ngoài ra, mâm cúng rằm tháng 8 cần có những loại trái cây như: nải chuối chín, quả bưởi (mang ý nghĩa cầu mong những điềm lành), quả hồng (mang ý nghĩa của sự no đủ), quả na (mang ý nghĩa sinh sôi), quả lựu (tượng trưng cho sự may mắn)...
Các loại quả trong mâm cỗ truyền thống thường có cả quả xanh, quả chín, mang ý nghĩa âm - dương hòa hợp, cân bằng theo quan niệm người xưa.
Đặc biệt, mâm cúng không thể thiếu bánh Trung thu nướng và bánh dẻo. Hai loại bánh này thường có hình tròn và hình vuông tượng trưng cho trời đất, hoặc có thể là hình cá chép, hay chú lợn béo tròn.
Nhiều gia đình cũng chuẩn bị các loại trà như trà sen, trà hoa nhài, trà mạn… để dùng cùng bánh. Bình hoa tươi cúng rằm tháng 8 có thể là nhiều loại hoa khác nhau.
Có thể trang trí thêm các loại đèn trên mâm cúng trông trăng. (Ảnh minh họa: Dân tộc và Phát triển)
Trong dịp này, người khéo tay có thể cắt tỉa bưởi, dưa hấu thành hình các con vật với mục đích tạo niềm vui, thích thú cho trẻ nhỏ.
Ngoài ra, gia chủ có thể chọn thực phẩm theo mùa, chế biến món ăn phù hợp với khẩu vị gia đình mình.
Mâm lễ cúng rằm tháng 8 không cần quá cầu kỳ, long trọng như mâm cỗ ngày Tết cổ truyền. Song, mâm cỗ vào ngày này vẫn phải được chuẩn bị một cách tươm tất thể hiện được sự thành kính của gia chủ khi dâng lên tổ tiên.
Rằm tháng 8 cũng là thời điểm học sinh vừa bước vào năm học mới nên người xưa còn cúng cả ông tiến sĩ giấy với mong muốn trẻ con học hành tiến tới, đỗ đạt.
Mâm cỗ ngày này có rất nhiều món hoa quả, bánh kẹo vì thế không nhất thiết phải đặt vào mâm như mâm cúng gia tiên, chỉ cần đặt lên một chiếc bàn rộng.
Mâm cỗ cúng này cũng không thể thiếu các loại đèn đặc trưng để trang trí cho bắt mắt như đèn ông sao, đèn cù, đèn con thỏ... Với các loại đèn này, mâm cỗ sẽ trở nên đặc sắc khiến không gian xung quanh trở nên ấm áp và gần gũi.
Hơn thế, sau khi phá cỗ, chúng sẽ được dùng để làm món quà ý nghĩa cho các em bé trong gia đình.
(Tổng hợp)
Cách bày mâm ngũ quả Trung thu 2023 đẹp mà đơn giản
Mâm ngũ quả Trung thu 2023 được bài trí ngày càng sáng tạo, đẹp mắt nhưng chứa đựng đầy đủ ý nghĩa cầu may mắn, sung túc, bình an.
Tết Trung thu 2023 là ngày bao nhiêu dương lịch?
Tết Trung thu diễn ra vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm. Năm 2023, tết Trung thu rơi vào thứ Sáu, ngày 29/9 dương lịch.
Bình luận