Tháng 4/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo) đã họp và nêu rõ mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa, kiên trì, không ngừng nghỉ trong công tác này. Đồng thời chủ động, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong cán bộ, đảng viên.
Tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2022 đã có một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo sở, ngành, chính quyền địa phương vướng vòng lao lý vì sai phạm. Từ đó đặt ra bài học và việc cần phải nhìn nhận lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương này.
Ông Lê Viết Hưng, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai.
Nhiều vụ việc phức tạp
Ngày 25/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Viết Hưng, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, ông Nguyễn Tấn Tài, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai.
Ông Võ Cao Cường, Chủ tịch UBND phường Tam Phước, TP Biên Hòa và ông Nguyễn Văn Đức, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Tam Phước cũng bị bắt tạm giam.
Trong diễn biến liên quan, ngày 4/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Tấn Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa (thời điểm bị bắt là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Biên Hòa). Các bị can nêu trên đều vi phạm về quản lý đất đai tại khu dân cư Phước Thái, phường Tam Phước, TP Biên Hòa.
Ông Nguyễn Tấn Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa (áo kẻ).
Ngày 29/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Trong vụ việc này, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh) bị bắt tạm giam.
Từ 4/6, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo vào cuộc kiểm tra tại 16 đơn vị, cơ quan của tỉnh Đồng Nai. Làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu ý kiến, công tác thanh tra, kiểm tra đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện nguồn tin về tham nhũng, tiêu cực. Hơn 10 năm qua, Đồng Nai thực hiện rất nhiều cuộc thanh tra, song số vụ việc chuyển cơ quan điều tra là rất ít.
Ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương làm việc tại tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Duy Phương)
Ông Phan Đình Trạc đề nghị tỉnh Đồng Nai xác định rõ tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
"Kiểm tra là dịp để phía đoàn của Trung ương cũng như phía tỉnh tự nhìn nhận, đánh giá lại, tự soi lại nghiêm túc, thấu đáo những vấn đề nổi cộm, kéo dài, dư luận quan tâm. Đây là một nơi có nhiều vụ lằng nhằng, Trung ương, liên ngành họp rồi, có ý kiến rồi lại cứ để thế", ông Phan Đình Trạc cho biết.Phải có vai trò chủ đạo của Trung ương
Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương có khó khăn, hạn chế. Có những vụ việc, những cán bộ có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực được cấp dưới phát hiện nhưng không nói, không đấu tranh. Hoặc cấp dưới có nói thì lên trên lại bị chặn nên việc đấu tranh không có kết quả.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đặt vấn đề, có sự bao che từ dưới lên trên, thậm chí có những sự việc rất quan trọng cũng bị bao che. Có hiện tượng điều động, luân chuyển cán bộ khi có ý kiến về việc sai phạm.
Bàn về vai trò của các cơ quan báo chí, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cho rằng, thông tin từ báo chí đều là vũ khí mở đầu cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải có sự giám sát của các cơ quan thông tấn, báo chí, khi có vấn đề được đặt ra thì cần vào cuộc ngay.
Để công tác đấu tranh đạt hiệu quả cao, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ khẳng định phải có vai trò chủ đạo của Trung ương. Bởi nếu không có Trung ương thì giám sát không có tác dụng.