Trong khi nhiều vườn bơ tại Đắk Nông trong cảnh điêu đứng để tìm đầu ra cho sản phẩm thì vườn bơ của anh Vương Thái Trinh (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) lại được các đầu mối đặt hàng, thu mua số lượng lớn.
Vườn bơ của anh Vương Thái Trinh (thứ hai từ phải qua) ở huyện biên giới Tuy Đức (Ảnh: Đặng Dương).
Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, bơ được bán ra với mức giá 40.000-60.000 đồng/kg, từ đó mà mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình anh Trinh.
Anh Vương Thái Trinh hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông.
Anh Trinh hiện là cán bộ công tác tại Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông (Ảnh: Đặng Dương).
Theo chủ nhân vườn bơ tại huyện biên giới Tuy Đức, 7 năm trước, anh đã liều góp vốn cùng người thân để mua một mảnh đất rẫy cách nhà vài chục kilomet để làm nông nghiệp.
Cũng từ đây, anh Trinh xây dựng được cho mình một thương hiệu riêng, đưa đặc sản của tỉnh Đắk Nông tới tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Anh Trinh cho biết trong khu đất khoảng 12ha, anh dành riêng 2,5ha để trồng bơ booth và bơ Cuba. Vườn bơ nằm trọn trên một quả đồi, cách biệt khu dân cư của huyện biên giới Tuy Đức.
Vườn bơ của anh Trinh được trồng theo phương pháp hữu cơ, hạn chế sử dụng sản phẩm hóa học (Ảnh: Đặng Dương).
Anh Trinh chia sẻ, sở dĩ anh chọn vùng đồi núi để trồng bơ vì ở đây cách ly hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng vô cơ phổ biến tại địa phương, rất phù hợp cho việc sản xuất hữu cơ.
Ngoài ra, việc trồng bơ tập trung tại khu vực xa dân cư giúp anh hạn chế được dịch bệnh và tạo ra sản phẩm thuần chủng hơn. Đặc biệt, khu vực này đất đai cũng chưa bị khai thác, sử dụng nhiều, việc xử lý đất cũng thuận lợi hơn so với những nơi khác.
Không có người giúp đỡ, thời gian đầu, anh Trinh rất mệt mỏi, một mình loay hoay tìm hướng đi (Ảnh: Đặng Dương).
Nhớ lại thời điểm mới bắt tay vào công việc, anh Trinh kể: "Vốn quen với công việc bàn giấy nên cuốc đất, ươm giống, chăm sóc cây trồng là những thách thức đối với tôi. Không có người giúp đỡ, thời gian đầu, tôi cũng rất mệt mỏi trong quá trình loay hoay tìm hướng đi".
Gắn bó với cây bơ từ thời kỳ đỉnh cao cho đến hiện nay, anh Trinh chứng kiến sự tăng giảm giá của nông sản này. Có thời điểm, bơ được bán với giá gần 150.000 đồng/kg nhưng việc mở rộng ồ ạt diện tích cây trồng khiến giá bơ đang sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều loại bơ hiện không được thương lái thu mua hoặc thu mua với giá thấp.
Vườn cây bước vào năm thứ 3 cho thu hoạch, dự kiến năng suất thu hoạch khoảng 8-10 tấn/ha (Ảnh: Đặng Dương).
Niên vụ năm 2022, vườn cây bước vào năm thứ 3 cho thu hoạch, dự kiến năng suất đạt 8-10 tấn/ha. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phần lớn bơ vườn nhà anh Trinh đều đã được đặt hàng để phân phối qua kênh tiêu thụ thương mại điện tử.
"Hiện nay, bơ Cuba trên thị trường rất hiếm. Đây là giống bơ mà tôi tập trung trồng nhiều nhất trong vùng nên tiêu thụ tốt. Đối với bơ booth, trong khi nhiều nhà vườn khác chỉ bán được khoảng 5.000-15.000 đồng/kg thì sản phẩm của tôi lại bán với giá gấp 2 hoặc 3 lần thị trường. Cho dù giá bơ có xuống thấp hơn nữa thì gia đình tôi cũng không lo vì sản phẩm đều được bao tiêu đầu ra", anh Trinh chia sẻ.
Hiện tại vườn bơ booth của anh Trinh chuẩn bị cho thu hoạch (Ảnh: Đặng Dương).
Để đưa sản phẩm phân phối qua kênh tiêu thụ tại nhiều thị trường khó tính, anh Trinh đưa các mẫu nông sản đi kiểm định chất lượng, đồng thời công bố tiêu chuẩn, hàm lượng dinh dưỡng của từng sản phẩm đến khách hàng.
Mới đây, vườn bơ của anh Trinh còn được Viện công nghệ môi trường, Viện Hàn Lâm Khoa học công nghệ Việt Nam lựa chọn triển khai đề tài khoa học liên quan việc canh tác cây bơ.
Sản phẩm bơ của anh Trinh được đánh giá cao về chất lượng dinh dưỡng (Ảnh: Đặng Dương).
Các nhà khoa học đánh giá cao việc quy hoạch vườn cây, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo vệ môi trường. Chính yếu tố này tạo nên sản phẩm thơm ngon, béo ngậy, có mùi vị đặc trưng.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chủ nhân vườn bơ cho biết: "Bơ Đắk Nông được mệnh danh là "hoàng hậu" của các loại trái cây, đang dần được những thị trường khó tính chấp nhận. Chúng tôi đang hướng tới tiêu chuẩn GlobalGAP, Organic với mục tiêu là đưa trái bơ của Đắk Nông ra thị trường nước ngoài. Hy vọng trong tương lai, việc sản xuất bơ theo hướng hữu cơ sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ dân tại địa phương".