Thạc sĩ Nguyễn Hoàng - Chuyên gia văn hóa và phong thủy - Viện Phong thủy Hoàng Gia Việt Nam cho biết, theo quan niệm dân gian, ngày vía Thần Tài thường sẽ rơi vào ngày mùng 10 âm lịch hàng tháng. Do đó, ngày vía Thần Tài là một sự kiện quan trọng không chỉ với người làm kinh tế. Đây còn là dịp những ai đang mưu cầu sự ổn định, thịnh vượng trong công việc cũng như đứng trước hành trình khám phá những thử thách mới của cuộc sống, sẽ phải lưu tâm.
Bởi ý nghĩa tích cực, nhiều may mắn và sự an lành trong ngày vía Thần Tài đem lại. Người Trung Quốc cổ đại thờ cúng nhiều nhất là Tam tinh Phúc – Lộc – Thọ. Hàng ngày vào sáng sớm nhà nào cũng thắp hương, dâng hoa tươi quả ngọt, cầu khấn được nhiều phúc, nhiều lộc, nhiều thọ. Tam tinh có thể làm bằng sứ, gốm, gỗ, đá quý, đồng hay ngà voi, với những chi tiết chạm trổ cầu kỳ, trở thành một nét văn hóa truyền thống ở xứ họ.
Người dân thường mua vàng trong ngày vía Thần Tài để mong gặp nhiều may mắn.
Phúc là phúc khí, bình an, con đàn cháu đống. Ai cũng mong “nhất lộ phúc tinh” hay “phúc tinh cao chiếu” mà không tỏ rằng Phúc thực ra là Mộc Tinh hay còn gọi là Tuế Tinh. Ở đâu có Mộc Tinh chiếu đến, ở đó có sự hưng vượng. Lâu dần, theo sự hướng thiện của con người, cầu cho những điều đẹp đẽ, Phúc Tinh trở thành thần Phúc và có những tên gọi cụ thể hơn như Thành Dương, Thiên Cung.
Lộc là những thứ ngoài thân như tiền bạc, của cải, chức quyền, địa vị. Con người xưa nay đều mưu cầu lợi lộc, quyền thế nên Lộc Tinh được tôn thờ để đạt được mục tiêu này. Trong cuốn “Sử ký – Thiên quan thư” Tư Mã Thiên đã nói rằng sao thứ sáu trong Văn Xương quan chính là Lộc Tinh, cai quản chức vị và bổng lộc của thế gian. Qua năm đời Hoàng Đế khai triển nhiệm vụ ban thưởng, Lộc Tinh được thờ thành thần Lộc trong mọi nhà.
Nhiều mẫu vàng được tung ra thị trường nhân ngày vía Thần Tài.
Thọ là sống lâu, mạnh khỏe. Sách xưa đề cập đến Nam Cực Tinh cũng là tên sao của Nam Cực Lão Nhân Tinh, sao này có thể ứng kéo dài tuổi thọ cho nhân chủ. Dân gian còn lưu truyền câu đối “Phúc như Phật Di Lặc phương Tây, Thọ như Nam Cực Lão Nhân Tinh”. Rất dễ nhận ra rằng Nhân tinh coi như Thọ Tinh, tương ứng với sao Giác và sao Cang trong bảy sao Thanh Long ở phương Đông “Số khởi Giác, Cang, đứng đầu các sao nên viết là Thọ”.
Tạo hình của Tam Tinh Phúc – Lộc – Thọ đã được ước định. Trong đó, Phúc tinh ôm trẻ con, gọi là nhiều phúc. Lộc tinh đội mũ quan, ý là tiến chức bổng lộc. Thọ tinh tay cầm cây bàn đào, ngụ là sống lâu trăm tuổi. Từ đó có thể thấy việc thờ Tam Tinh là một nét văn hóa thú vị, có tính nhân văn, tiến bộ và thánh thiện.
Ngày vía Thần Tài làm gì để có nhiều may mắn, tài lộc?
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng, có một vài sự tích về Thần Tài nhưng không thống nhất.
Tùy theo đức tin của mỗi vùng miền, dân tộc hay tín ngưỡng mà có thể phân ra thành hàng chục, thậm chí hàng trăm vị Thần Tài khác nhau. Đa phần ngày vía của các vị Thần được thờ ở nhân gian là ngày các vị ấy từ giã cõi trần để trở về thiên giới sau một nhiệm vụ được Ngọc Hoàng phân công hay một sự sơ suất hoặc bị trừng phạt nào đó.
Trong ngày Vía Thần Tài có thể mua nhiều đồ khác nhau như một vật cầu may để chưng lên bàn thờ, không nhất thiết phải mua vàng với giá đắt đỏ.
Tương truyền, một cách khá phổ biến, ngày Tổng quản Thần Tài về trời là ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Trước khi đi, thần và người vẫn luôn có những ân tình mà người xưa gọi là lưu phước lưu ân cho tín chủ. Vì thế, dân gian cho rằng, vào ngày vía Thần Tài thì nếu ai tưởng nhớ sẽ được Thần Tài phù hộ.
Từ lâu người dân nước ta đã thờ thần Lửa, thần Nước, thần Bếp, thần Thổ Địa, thần Lộc… và thần Tài cũng nằm trong hệ sinh thái tín ngưỡng thờ Thần. Thần Tài xuất hiện trước hết từ Trung Quốc rồi theo các tiểu thương người Hoa du nhập vào Việt Nam trở thành một biểu tượng tinh thần cho việc sung túc và thịnh vượng.
Thần Tài được thờ phổ biến trong các công ty, cửa hàng, nơi những người kinh doanh thực hiện. Vì thế, ban thờ Thần Tài được đặt ở một vị trí quan trọng và chăm sóc hàng ngày. Những người không kinh doanh buôn bán hiếm khi lập ban thờ Thần Tài nhưng trong tâm khảm vẫn mong cầu một đấng siêu nhiên có thể trợ giúp cho mình may mắn trong việc mưu cầu tiền bạc. Vì thế, vẫn có một hấp lực không nhỏ đối với những người này mỗi khi được nhìn thấy hay nhắc đến những vật phẩm cầu may.
Thông thường, vào ngày vía thần Tài, người dân hay đi mua vàng để cầu may. Vì sao vậy?
Vàng là một trong những vật có giá trị nhất về mặt kinh tế, là biểu tượng cho sự tích lũy và giàu có. Việc mua vàng để cầu may vào ngày vía Thần Tài là một quan điểm có tính chất truyền miệng trong dân gian, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Thần của một bộ phận người Á Đông.
"Hoạt động mua vàng vào ngày vía Thần Tài mang nặng tính chất kỳ vọng riêng tư về mưu cầu lợi ích chứ ít có giá trị về mặt phong thủy hay năng lực tâm linh. Tuy nhiên, nhiều người dân tiếp tục mua vàng và nắm giữ như một kênh đầu tư hiệu quả trong dài hạn", Giám đốc Viện Phong thủy Hoàng Gia Việt Nam chia sẻ.
Đối với những người thờ Thần Tài, nên dọn dẹp lau sạch ban thờ, rút tỉa chân nhang rồi chuẩn bị một lễ cúng gồm có hoa tươi, quả tốt, thịt heo quay và kẹo ngũ sắc, lạy 05 lạy rồi thành tâm khấn vái là được.
Bên cạnh đó, người dân cũng có thể mua một vật cầu may được Thần Tài ưa thích để chưng lên bàn thờ như tì hưu, thiềm thừ, bảo bình, túi tài lộc, tiền ngũ đế hoặc ra ngân hàng gửi một khoản tiết kiệm tượng trưng chứ không nhất thiết phải mua vàng hay đá quý.
Nam AnhTags:Vía Thần Tài, vía thần tài là ngày nào, Ngày vía thần tài,