Một nghiên cứu năm 2022 từ công ty tính lương UKG tại Mỹ cho biết 43% những người đã bỏ việc trong thời kỳ đại dịch thừa nhận rằng đã có thu nhập tốt hơn với công việc cũ. Cùng với đó, gần một phần năm số người bỏ việc giai đoạn đó đã quay lại công việc mà họ đã rời bỏ. Những người trở về công ty cũ làm việc được gọi là nhân viên "boomerang" và cũng có thể trở thành một xu hướng.
Tất nhiên, ở bất kỳ thị trường lao động nào, không ít các công ty không tuyển lại nhân viên đã nghỉ việc. Bởi lẽ, họ cho rằng ủng hộ lao động "boomerang" là cách gửi một tín hiệu xấu và lòng trung thành cho đội ngũ hiện hữu.
Tuy nhiên, xu hướng tuyển lại người cũ có thể phát triển khi thị trường lao động thiếu người, nhất là nhân sự tài năng. "Chúng tôi đã thấy một xu hướng mới nổi trong việc chiêu mộ nhân tài nhắm đến các nhân viên cũ. Họ hiểu biết về doanh nghiệp, văn hóa nơi làm việc và có chi phí gia nhập thấp hơn", Jennifer Brick, Huấn luyện viên nghề nghiệp tại Mỹ cho biết.
Cần tìm hiểu kỹ lý do mình rời đi đã giải quyết dứt điểm chưa để quay lại công ty cũ. Ảnh: Pixabay
Với những người có thành tích cao trong công việc trước đây, được công ty cũ mời gọi quay về cũng không phải chuyện lạ. "Công ty nào lại không muốn tuyển mộ một cựu ngôi sao đã biết về công việc kinh doanh của họ?", Amy Zimmerman, Giám đốc nhân sự của Relay Payments, bình luận.
Theo các chuyên gia, ưu điểm lớn nhất của việc quay lại công ty cũ là sự quen thuộc với công việc. Bạn đã có sẵn kiến thức về con người và văn hóa tại đó. Ngoài ra, chính thời gian xa cách thậm chí còn giúp người lao động "hiệu chỉnh lại giá trị của chính họ", theo Brad Harris, Giáo sư quản lý và nhân sự tại Trường Kinh doanh HEC Paris.
"Trường hợp tốt nhất là bạn được tăng lương hoặc thay đổi vị trí. Điều này nghĩa là giá trị của bạn được công nhận chính xác hơn", ông nói. Jennifer Brick cũng cho biết nhiều khách hàng của bà được hấp dẫn bởi lời hứa vị trí cao hơn khi quay lại.
Tuy nhiên, khi được công ty cũ mời về làm việc lại, người lao động cần cân nhắc một số yếu tố. Các chuyên gia nhân sự cảnh báo rằng mọi thứ có thể không được suôn sẻ như hình dung. Cụ thể, nhược điểm và cũng là lưu ý lớn nhất ở chỗ "đảm bảo rằng lý do bạn rời đi đã được giải quyết", theo Zimmerman. Điều đó có thể là nói dễ hơn làm.
Hãy tự hỏi tại sao bạn rời đi và nay muốn quay lại. Theo Brad Harris, trả lời điều này nhằm đảm bảo rằng quyết định về với công ty cũ là "có ý nghĩa". "Chúng ta có thể sẽ cho rằng nhiều điều đã thay đổi hơn thực tế, về chính mình và công ty thuê mình. Mọi thứ có vẻ tốt hơn trong ngắn hạn, nhưng có một nguy cơ thực sự là chúng sẽ nhanh chóng đâu lại vào đấy như xưa", vị chuyên gia nêu.
Còn theo bà Jennifer Brick, nếu lý do rời đi của bạn trước đây là do lãnh đạo kém cỏi hoặc văn hóa làm việc độc hại, các yếu tố đó "vẫn có khả năng còn ở đó". Do vậy, bạn hãy tìm hiểu kỹ về công ty đã có những thay đổi gì hay chưa. Bạn có thể liên hệ với những người đã và vẫn đang làm việc tại công ty để tìm hiểu.
Ngoài ra, các mối quan hệ trong công ty cũ cũng cần được lưu ý. Có thể không phải ai cũng hài lòng khi thấy bạn quay lại. "Nếu được thăng chức hoặc một số đãi ngộ đặc biệt khác để quay trở lại, điều đó có thể khiến một số đồng nghiệp của người được tuyển lại xa lánh và tạo ra rạn nứt trong mối quan hệ", Amy Zimmerman của Relay Payments, lưu ý.