Hậu Giang xác lập 2 kỷ lục mới tại Festival Quốc tế ngành hàng Lúa gạo Việt Nam
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Con đường lúa gạo Việt Nam được xây dựng dọc kênh xáng Xà No (đường Trần Hưng Đạo, TP. Vị Thanh) với chiều dài 1,3km, chiều rộng 30m, sử dụng khoảng 20.000 chậu lúa để phối cảnh, từ lúc lúa gieo mầm xanh cho đến khi hạt vàng bội thu.
Triển lãm kéo dài từ nay đến ngày 3/1/2024, phục vụ khách tham quan, tìm hiểu về nền sản xuất lúa gạo Việt Nam. Công trình được thực hiện bởi Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang và Công ty Cổ phần Truyền thông Quốc tế Expo.
Xác lập Kỷ lục Không gian triển lãm, sắp đặt con đường lúa gạo chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt”
Xác lập Kỷ lục Mô hình Bản đồ Việt Nam ghép từ nhiều giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành.
Ông Dương Duy Lâm Viên – Tổng thư kỷ TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Viện trưởng viện Kỷ lục Việt Nam và bà Võ Lưu Lan Uyên trao bằng xác lập Kỷ lục đến ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Trưởng ban tổ chức Festival và ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc Con đường Lúa gạo Việt Nam.
Đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNN cùng lãnh đạo tỉnh Hậu Giang chụp hình lưu niệm tại mô hình Bản đồ Việt Nam ghép từ nhiều giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành.
Triển lãm “Con đường lúa gạo Việt Nam” tái hiện quá trình phát triển trồng lúa qua 4 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là thời kỳ sản xuất nông nghiệp sơ khai, thô sơ, sử dụng sức lao động của con người là chủ yếu, tư duy sản xuất tự cung tự cấp; năng suất lao động thấp.
Giai đoạn 2 là kinh tế tiểu nông, sử dụng trâu, bò làm sức kéo trong sản xuất nông nghiệp; cấy lúa trên ruộng bằng cây nọc, trồng lúa mùa, thâm canh... Tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa đơn giản, xuất hiện hàng xáo trong mua bán lúa gạo.
Giai đoạn 3 là thời kỳ công nghiệp hóa, cơ giới hóa nông nghiệp, sử dụng các loại máy móc phục vụ nông nghiệp như máy cày, máy gặt đập liên hợp; sử dụng công nghệ sạ ngầm, sạ hàng, sạ máy, cấy máy. Tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển, công nghệ tiên tiến được đưa vào quy trình sản xuất, chế biến, lưu thông phân phối lúa gạo.
Giai đoạn 4 là thời kỳ nông nghiệp hiện đại 4.0 ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất, đưa máy móc, công nghệ kết hợp trí tuệ nhân tạo vào hệ thống sản xuất lúa; nhằm nâng cao năng suất, để tối ưu hóa quy trình sản xuất... Tư duy sản xuất chuyển đổi từ lao động sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNN cùng lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tham quan thiết bị máy móc trưng bày tại Con đường Lúa Gạo Việt Nam.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang trải nghiệm máy móc thiết bị trung bày tại Con đường Lúa Gạo Việt Nam.
Với sự tham gia thực hiện của đội ngũ 300 người thi công trong 20 ngày, Con đường lúa gạo đã tái hiện lại quá trình phát triển nghề trồng lúa nước Việt Nam từ khi đất nước còn cơ cực đến khi Việt Nam trở thành một đất nước xuất khẩu lúa, gạo đứng hàng đầu Thế giới.
Toàn bộ không gian thể hiện bước chuyển đổi lớn từ tư duy sản xuất lúa gạo sang tư duy kinh tế ngành hàng lúa gạo. Các gian triển lãm giới thiệu hình ảnh, công cụ về quá trình lúa xưa và nay, từ mô hình con trâu kéo cày, các dụng cụ đập lúa, cấy lúa, máy cày, máy suốt lúa, máy gặt,... cho đến đập liên hợp, máy bay không người lái, máy xạ hàng thông minh… cùng với các bảng thuyết trình cụ thể.
Bên cạnh "con đường lúa gạo" thì công trình "Bản đồ Việt Nam ghép từ các giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành" cũng được địa phương dày công thực hiện.
Công trình đã quảng bá được các giá trị độc đáo của các loại Lúa Gạo Việt Nam đến với thế giới và khẳng định giá trị lịch sử lớn lao của nền văn minh lúa nước rực rỡ qua hàng ngàn năm. Mô hình "Bản đồ Việt Nam ghép từ các giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành" có kích thước 7m x 12m, tổng lượng lúa dùng để ghép bản đồ là 25kg, được chế tác từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân trong 15 ngày và sử dụng 54 giống lúa đặc sản đặc trưng của 63 tỉnh, thành Việt Nam. Các giống lúa không nhuộm, được giữ đúng màu sắc tự nhiên của hạt lúa để nhận biết giống của từng địa phương.
Việc xác lập các Kỷ lục Quốc gia mới cho Hậu Giang trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam 2023 không chỉ là sự kiện quảng bá mà còn là một chuyến hành trình đặc sắc khám phá về quá khứ, hiện tại và tương lai của ngành nông nghiệp và lúa gạo Việt Nam.
Đây chính là nơi đưa khách tham quan đến với những khám phá mới mẻ, thú vị, ấn tượng khi từng bước trải nghiệm trên con đường chứa đựng cả quá khứ, hiện tại và tương lai của ngành nông nghiệp và lúa gạo Việt Nam.
Trung Phạm