Những ngày này, người dân cả nước đang hân hoan kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Đây được xem là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Để làm nên một Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" khiến cả thế giới thán phục thì không thể không nhắc đến những phương tiện vận tải thô sơ nhưng được quân và dân ta vận dụng rất sáng tạo khi tiến hành chiến dịch đặc biệt này.
Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trong số hàng ngàn những tư liệu, hiện vật được trưng bày có chiếc xe cút kít đặc biệt của ông Trịnh Đình Bầm được xem là minh chứng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, kiên quyết đấu tranh, sẵn sàng hy sinh tất cả cho tổ quốc, cho dân tộc của người dân Việt Nam.
Ông Trịnh Đình Bầm sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Định Liên (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá) đã hăng hái lao động sản xuất, góp gạo nuôi quân, đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đáp ứng lời kêu gọi “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", ông Bầm đã tự tay đóng xe cút kít để làm phương tiện vận chuyển hàng hoá cho chiến dịch.
Theo quan niệm truyền thống thì bàn thờ gia tiên là nơi quan trọng, thiêng liêng, là nơi “bất khả xâm phạm” trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, để có gỗ chắc làm xe vận chuyển lương thực, ông lấy bàn thờ gia đình dùng làm xe để xe bền, chịu lực cao. Với bản tính cần cù, chịu khó ông Trịnh Đình Bầm sử dụng đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo để đã cải tiến xe cút kít của mình, nâng mức trọng tải của xe từ 100kg lên 280kg.
Chiếc xe mà ông Bầm chế tạo có hình chữ A có chiều dài 206cm, càng xe làm bằng gỗ, có hai chân chống bằng tre. Bánh xe có đường kính 75cm, được gép bởi ba mảnh gỗ khác nhau trong đó có một mảnh được sơn son thếp vàng có những đường hoa văn đỏ, vàng xen lẫn nhau rất đẹp.
Năm 1954, với chiếc xe cút kít đặc biệt này, ông Trịnh Đình Bầm đã chở lương thực trên đoạn đường từ kho lương Sánh - Lược đi lên phố Cống - Trạm Luồng (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Đây chính là điểm trung chuyển lương thực ở hậu phương, lương thực được nhân dân đóng góp vào kho lương chung của xã sau đó đưa đến kho lương của tỉnh.
Từ kho lương của tỉnh Thanh Hóa, lương thực mới vận chuyển cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Không quản ngại khó khăn đường xa, dốc cao, vực sâu suốt 4 tháng cứ 3 ngày 1 chuyến với quãng đường dài hơn 20 km ông Trịnh Đình Bầm đã vận chuyển được gần 12.000 kg lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Với thành tích cùng những cống hiến của mình, ông Trịnh Đình Bầm đã được Hội đồng Cung cấp Liên khu 4 tặng bằng khen, được tuyên dương toàn tỉnh Thanh Hóa.
Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của địch. Với sự dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ "bất khả chiến bại" của thực dân Pháp đã bị quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Pháp về huy động, thu hút lực lượng dân công ra mặt trận. Từ khắp nơi, Liên khu 3, Liên khu 4….những người nông dân Việt Nam với các phương tiện thô sơ đã cùng với quân đội tạo nên một chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.
Theo các hướng dẫn viên tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã cực kỳ xúc động khi nghe thiệu về xe cút kít. Thậm chí, một du khách quốc tế đã viết lại cảm tưởng của mình sau khi tham quan bảo tàng: “Một dân tộc nào mà dám hy sinh cả tín ngưỡng của mình để giành lấy độc lập tự do thì dân tộc đấy tất sẽ chiến thắng”.
Hiện nay, chiếc xe cút kít "huyền thoại" của ông Trịnh Đình Bầm đang được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cùng với những phương tiện vận chuyển khác để giới thiệu đến đông đảo du khách gần xa biết thêm về tinh thần quả cảm, nghị lực và ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
-> Cựu tù Côn Đảo dùng thơ ghi lại cảm xúc ngày chiến thắng Điện Biên PhủNhóm PVTags:Điện Biên Phủ, chiến dịch điện biên phủ, xe cút kít,