Theo ước tính, có tới ít nhất 2/3 lượng rác thải nhựa được phân loại và thu gom tại các đô thị thông qua lực lượng thu gom “ve chai, đồng nát”.
Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt. Mỗi năm, lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương.
Ô nhiễm nhựa đang trở thành vấn đề nan giải với nhiều quốc gia (Ảnh minh họa)
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển – nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Điều đáng nói là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Trước tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa, những năm qua, nhiều mô hình, chiến dịch về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đã được phát động rầm rộ, bài bản nhưng chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Trên thực tế, hiện nay, có tới ít nhất 2/3 lượng rác thải nhựa được phân loại và thu gom tại các đô thị lại đến từ lực lượng ve chai, đồng nát. Đây cũng là lực lượng lao động đông đảo với số lượng lên tới hàng triệu người cùng hàng nghìn làng nghề tái chế khắp đất nước.
Tại Tọa đàm “Giải pháp phân loại rác thải nhựa tại gia đình” do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp với Công ty CP Acecook Việt Nam tổ chức, TS. Hoàng Dương Tùng - Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định những người thu gom tái chế (thường gọi là “đồng nát”, “ve chai”) đang ở tuyến đầu trong việc phân loại rác thải tại nguồn.
“Những người ve chai thường thu mua chai nhựa, bìa cứng, giấy, kim loại có khả năng tái chế từ nhà dân, cửa hiệu và siêu thị, sau đó mang đến các cơ sở thu mua phế liệu để bán. Rác tái chế tiếp tục được phân loại, tập hợp và bán cho các đại lý lớn hơn, sau đó chuyển về các làng nghề hoặc doanh nghiệp tái chế. Chính vì vậy, lực lượng ve chai đã và đang góp sức không nhỏ cho vấn đề nan giải tại Việt Nam đối với việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn hiện nay chính là phân loại rác nhựa sinh hoạt.” - TS. Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Những người thu gom tái chế đóng vai trò quan trọng trong việc phân loại rác thải tại nguồn (Ảnh minh họa)
Lực lượng ve chai đồng nát đã hình thành tại đất nước ta từ 30 - 40 năm nay. Phần lớn trong số những người này là phụ nữ. Mặc dù cùng làm công việc thu gom rác thải và có sự đóng góp rất lớn của lực lượng ve chai trong khâu phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, song theo TS. Hoàng Dương Tùng không phải tất cả những người ve chai và cơ sở đều hoạt động theo một cách đồng nhất.
Hầu hết những người thu gom ve chai đều tự phát, mỗi người có cách làm riêng. Hiện nay chỉ có một số ít người thu gom và đem bán tại những đầu mối thu mua của các doanh nghiệp, nhà máy tái chế, còn phần lớn những người thu mua chai nhựa đều bán lại cho các đại lý thu mua để đưa về các làng nghề tái chế rác truyền thống.
Điều này dẫn đến một nghịch lý, đó là nhiều nhà máy đầu tư hệ thống tái chế hiện đại luôn ở trong tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất. Chúng ta thậm chí phải nhập rác từ nước ngoài để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy, trong khi nguồn nguyên liệu đó phần lớn đến từ ve chai.
Trong khi đó, tại các làng tái chế truyền thống luôn trong tình trạng nhập rác thải. Tuy nhiên, chính những địa điểm tái chế thủ công, tự phát hay những làng nghề sử dụng công nghệ lạc hậu lại gây ô nhiễm ngược lại với môi trường. Bên cạnh đó, các sản phẩm thìa, hộp nhựa tái chế từ chính những làng tái chế này không được kiểm soát, không đảm bảo vệ sinh có thể gây hại cho sức khỏe.
Hiện nay các làng tái chế truyền thống luôn trong tình trạng phải nhập rác thải (Ảnh minh họa)
Trước vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng khuyến nghị, cần đánh giá đúng vai trò và nhu cầu của nghề “ve chai, đồng nát” trong quá trình phân loại rác tại nguồn. Lực lượng này cần nhận được sự tôn trọng và có các chính sách hỗ trợ tương xứng, từ đó hình thành hệ thống phân loại rác chặt chẽ từ gia đình đến người thu gom và các nhà máy tái chế để nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn.
--> Mỗi hộ gia đình đang sử dụng tới 7 - 9 túi ni lông một ngày
Phương Anh