Theo Báo cáo tài chính bán niên 2022 sau kiểm toán của Công ty cổ phần hàng không Vietjet (HoSE: VJC), doanh thu vận tải hàng không của hãng đạt 14.898 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế80,33 tỷ đồng, lần lượt tăng 197% và 135% so với cùng kỳ 2021, tăng so với báo cáo tự lập và so với cùng kỳ 2021.
Với kết quả kinh doanh hợp nhất, báo cáo ghi nhận doanh thu của Vietjet đạt 15.934,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 145 tỷ đồng, lần lượt tăng 111% và 19% so với cùng kỳ 2021.
Hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của Vietjet đạt kết quả tích cực nhờ nhu cầu đi lại trên đà hồi phục. Ảnh: Ánh Dương
Tính đến ngày 30/6, Vietjet có tổng tài sản là 62.669 tỷ đồng. Chỉ số nợ vay, vốn chỉ ở mức 1,09 lần, chỉ số thanh khoản hiện hành đạt 1,49, nằm trong nhóm có chỉ số tốt trong ngành hàng không thế giới.
Theo đánh giá của doanh nghiệp kết quả kinh doanh sáu tháng 2022 tích cực nhờ nhu cầu đi lại đang trên đà phục hồi mạnh, đặc biệt là các chặng nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Về hoạt động vận chuyển hành khách, Vietjet đã thực hiện gần 33.000 chuyến bay và vận chuyển 6 triệu lượt khách, tăng lần lượt 135% và 200% so với cùng kỳ năm 2021. Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt hơn 11.000 tấn.
Vietjet đã mở các đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ với 17 đường bay, mang thị trường 1,4 tỷ dân về với các thành phố của Việt Nam như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc... kết nối với các thành phố lớn nhất Ấn Độ. Hãng cũng đạt được thỏa thuận với Boeing và Airbus về tái cấu trúc hợp đồng, với những hỗ trợ từ nhà sản xuất và những chương trình đầu tư vào Việt Nam trong dịch vụ, đào tạo và sản xuất.
Vietjet tiên phong mở đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ với 17 đường bay. Ảnh: Ánh Dương
Hãng liên tục mở rộng mạng bay với khung giờ bay thuận tiện và giá vé tốt cho hành khách. Vietjet cũng chú trọng đầu tư vào đội tàu bay mới, nâng cấp hệ thống và ứng dụng công nghệ, cung cấp nhiều dịch vụ trước và trong chuyến bay, đáp ứng nhu cầu đi lại nhanh chóng và thuận tiện của khách hàng.
Theo kế hoạch, Vietjet sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát chi phí chặt chẽ và đẩy nhanh các dự án chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa chi phí hoạt động. Đồng thời, các hãng hàng không tiếp tục nhận được các chính sách thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay giảm từ 3.000 đồng một lít còn 1.000 đồng một lít... nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng.
Thời gian qua hãng đã nhận giải thưởng quốc tế về công nghệ tài chính của năm cho dịch vụ "bay trước trả sau" dành cho khách hàng cùng với giải thưởng "Hãng hàng không mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng toàn cầu" và "Top 10 hãng hàng không chi phí thấp tốt nhất thế giới" năm 2022.
Du khách Ấn Độ trên chuyến bay Vietjet kết nối giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ảnh: Ánh Dương
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo thị trường hàng không nội địa tại các nước sẽ phục hồi 93% trong năm 2022, riêng thị trường nội địa Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 96% và phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023. Cùng với việc mở cửa trở lại nhiều đường bay quốc tế, Vietjet sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của ngành hàng không, sự hồi phục và phát triển sau đại dịch của kinh tế các địa phương và kinh tế đất nước.