Việt Nam có hơn 5.117 loài thực vật được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trong đó, hầu hết loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao đều phân bố trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên, như: Sâm Lai Châu, sâm Vũ Diệp, tam thất, bách hợp, thông đỏ... Hầu hết các loài thảo dược quý, có giá trị đều sống dưới tán rừng, nhất là dưới tán rừng nguyên sinh. Nhiều địa phương đã và đang phát triển dược liệu trong môi trường rừng và làm tốt việc gắn phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái.
Mô hình trồng sâm của HTX bảo tồn và phát triển sâm núi Lai Châu.
Nguồn thu của 4 loại dịch vụ trong các hệ sinh thái rừng gồm: dịch vụ cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ; dịch vụ môi trường rừng; dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon; dịch vụ du lịch sinh thái đã mang lại giá trị khoảng 39.039 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thu được từ dịch vụ du lịch sinh thái đạt 2.022 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khả năng cung cấp nguyên liệu làm dược liệu chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất cũng như nhu cầu sử dụng ở trong nước, một phần vẫn phải nhập khẩu ... Trong khi, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có rất nhiều loài dược liệu kết hợp với nhau tạo thành những bài thuốc rất hay để chữa trị bệnh và bồi bổ sức khỏe, thậm chí chữa trị được một số bệnh nan y.
Trong tự nhiên, các loài dược liệu phân bố tương đối phân tán, hiện nay phần lớn dược liệu được khai thác trong tự nhiên, một phần đã được trồng thì qui mô nhỏ; chưa có vùng sản xuất nguyên liệu thảo dược tập trung quy mô lớn, nên việc phát triển thảo dược còn nhiều hạn chế.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 611 về việc phê duyệt Chương trình “Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Bộ NN&PTNT đang dự thảo Quyết định Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, khi Quyết định được phê duyệt thì đây sẽ là cơ hội không chỉ cho việc phát triển sâm mang thương hiệu Việt Nam, mà còn là cơ hội để phát triển các loài cây dược liệu khác dưới tán rừng. Tuy nhiên theo đại diện các doanh nghiệp lữ hành, diện tích rừng ở Việt Nam khá lớn, nhưng không phải chỗ nào cũng có thể phát triển du lịch sinh thái, mà phải gắn với cảnh quan đặc trưng, hoặc di tích nào đó thì mới có thể hấp dẫn du khách.
Ngoài ra, các chính sách chưa thực sự rõ ràng trong việc quy hoạch vùng du lịch sinh thái và vùng trồng dược liệu dưới tán rừng, khiến cho nhiều nhà đầu tư lúng túng trong triển khai.
Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia, để phát triển cây dược liệu thành cây thế mạnh góp phần giảm nghèo tại các địa phương, chúng ta phải phát triển dược liệu thành một ngành hàng, cần một đơn vị chuyên trách chịu trách nhiệm về nghiên cứu, xây dựng các chính sách phù hợp, tổ chức triển khai đúng lộ trình để phát triển chung.
Chủ đề: dược liệu ngành hàng thành Để