Hôm nay (3/6), Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị về nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực trạng và giải pháp.
Nhận định nội dung giáo dục địa phương là một bộ phận không thể tách rời trong thực hiện Chương trình GDPT 2018, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài chia sẻ nội dung giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản, thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước.
Để thực hiện nội dung giáo dục địa phương, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã ban hành và phối hợp ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện hướng dẫn biên soạn, thẩm định tài liệu, hướng dẫn tổ chức dạy học tài liệu giáo dục địa phương, tổ chức xuất bản, phát hành tài liệu, tư vấn, hướng dẫn, đôn đốc phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương.
Thực hiện các quy định và văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, UBND cấp tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa như tổ chức xây dựng Khung nội dung giáo dục địa phương các cấp học, tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, tổ chức dạy thực nghiệm, tổ chức thẩm định và hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài báo cáo tại sự kiện.
Theo ông Thái Văn Tài, đến thời điểm hiện tại, cơ bản các địa phương đã hoàn thành việc biên soạn tài liệu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Riêng đối với tài liệu giáo dục địa phương các lớp 5, 9, 12 vẫn đang được địa phương hoàn thiện để tổ chức thẩm định.
Về tổ chức giảng dạy, các Sở GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho cán bộ quản lý và giáo viên các khối lớp có tài liệu giáo dục địa phương được phê duyệt với các chuyên gia, báo cáo viên là các tác giả xây dựng tài liệu.
Hướng dẫn Phòng GD&ĐT tiếp tục triển khai các chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn về dạy học tích hợp nội dung giáo dục địa phương hoặc tổ chức hoạt động giáo dục theo các chủ đề trong kế hoạch dạy học phù hợp điều kiện từng lớp học, bậc học. Hiện nay, các tỉnh, thành phố có tài liệu giáo dục địa phương được Bộ GD&ĐT phê duyệt đã tổ chức dạy học tài liệu giáo dục địa phương.
Từ thực tế triển khai tại các địa phương, Vụ trưởng Thái Văn Tài cho rằng đây là nhiệm vụ mới theo phân cấp của địa phương nên còn lúng túng, khó khăn trong cách thức tiếp cận ban đầu với công việc ban hành kế hoạch, xây dựng khung nội dung, biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương.
Công tác in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương cũng còn khó khăn, bất cập khác nhau ở mỗi địa phương. Việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương ở một số địa phương còn chậm, muộn; một số địa phương chưa thực hiện được do vướng mắc về công tác xác định bản quyền, thẩm định giá và đấu thầu in ấn, phát hành.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Sở GD&ĐT đã tham gia tham luận, thảo luận, trao đổi, nêu các đề xuất, kiến nghị, giải pháp xung quanh những thuận lợi, khó khăn liên quan đến thực trạng triển khai tại các địa phương, quy trình tổ chức thực hiện, công tác xã hội hóa, nội dung tài liệu, quy định về kinh phí, in ấn, bản quyền, giảng dạy.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.
Sau khi nghe các báo cáo, đóng góp ý kiến Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình GDPT 2018 là vấn đề khó, phức tạp, vẫn còn lúng túng. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã khắc phục tồn tại, chủ động, linh hoạt, tìm ra giải pháp phù hợp để triển khai tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương.
Khẳng định đây là nội dung giáo dục bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018, Thứ trưởng lưu ý, quá trình biên soạn, thẩm định, in ấn, phê duyệt nội dung giáo dục địa phương cần đơn giản nhưng phải đúng quy trình, quy định, hiệu quả, có căn cứ bởi đây là nội dung khó.
Thứ trưởng giao Vụ Giáo dục Tiểu học chủ trì tổng hợp các đề xuất của các Sở GD&ĐT. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tham mưu, phối hợp cùng các đơn vị sớm xây dựng các văn bản chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn về vấn đề này. Trong văn bản chỉ đạo phải rõ các hướng dẫn, giải pháp trước mắt, giải pháp tình thế, giải pháp lâu dài để các Sở GD&ĐT có căn cứ thực hiện ở địa phương.
Cùng với đó, Vụ Giáo dục Tiểu học chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên triển khai nội dung giáo dục địa phương tại các địa phương. Tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn phải thống nhất và có hiệu quả.
Đơn vị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các công ty thành viên phải thực hiện hỗ trợ các Sở GD&ĐT, tham gia, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong triển khai nội dung giáo dục địa phương tại các địa phương.
Đối với các địa phương, Thứ trưởng đề nghị cần tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên. Sau thời gian tập huấn cần có đánh giá theo các giai đoạn sơ kết, tổng kết công tác này để rút ra bài học, kinh nghiệm, những gì đã làm được, vướng mắc ở đâu và tham mưu cho Bộ GD&ĐT trong chỉ đạo, gỡ khó thực hiện trên phạm vi toàn quốc.