Cảnh báo bệnh sởi bùng phát trái mùa do trì hoãn tiêm chủng

07/07/2022 05:58
Bệnh sởi có thể bùng phát vào mùa hè, đặc biệt với trẻ em chưa tiêm vaccine dễ diễn tiến nặng, thậm chí tử vong.

Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, nhiều người cho rằng dịch sởi chỉ bùng phát vào mùa đông - xuân nên các thời điểm khác trong năm không tiêm vaccine. Thực tế, bệnh sởi cũng bùng phát trái mùa vào hè, khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có thể tiến triển nặng không chỉ ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 9 tháng - chưa đến tuổi tiêm phòng, mà còn cả với người lớn.

Bệnh sởi có thể xuất hiện trái mùa do nhiều nguyên nhân như tỷ lệ tiêm phòng sởi trong cộng đồng thấp. Nếu không có miễn dịch cộng đồng thì chu kỳ dịch sởi là 3-5 năm/lần. Trẻ mắc bệnh sởi khi chưa đến tuổi tiêm vaccine phần lớn do mẹ cũng chưa tiêm, không có kháng thể phòng sởi.

"Mùa hè năm nay không loại trừ nguy cơ dịch sởi bùng phát. Nguyên nhân chủ yếu là do các chiến dịch tiêm phòng sởi cho trẻ nhỏ và người lớn bị gián đoạn suốt đại dịch và trì hoãn cho đến nay. Đáng lo là hiện có tình trạng không đủ vaccine ở nhiều nơi. Mặt khác, tâm lý phụ huynh thường chủ quan, lơ là với các bệnh truyền nhiễm cũ", BS Chính khuyến cáo.

Cuối tháng 4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi trên toàn cầu khi số ca nhiễm sởi tăng khoảng 80% trong một năm do tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi giảm. Chỉ trong tháng 1 và tháng 2, toàn cầu ghi nhận hơn 17.000 ca nhiễm sởi, tăng 9.600 ca so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê của WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) từ đầu tháng 4 cho thấy, Covid-19 và hậu quả sau đó đã khiến 58 chương trình vaccine tại 43 quốc gia bị hoãn lại, ảnh hưởng tới 212 triệu người, chủ yếu là trẻ em. Trong đó có 19 chương trình tiêm chủng phòng sởi khiến 73 triệu trẻ gặp rủi ro lây nhiễm, nhập viện và tử vong. Cứ 500 trẻ mắc sởi thì có một trẻ tử vong. Ở nhóm chưa tiêm chủng, cứ 5 trẻ nhiễm virus thì một trẻ phải nhập viện. Các đối tượng gồm trẻ dưới 5 tuổi, người trên 20 tuổi và phụ nữ mang thai bị suy yếu miễn dịch dễ chuyển nặng và tử vong sau khi mắc sởi.

Cảnh báo bệnh sởi bùng phát trái mùa do trì hoãn tiêm chủng

Vaccine sởi đơn hoặc sởi - quai bị - rubella có thể tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Ảnh: Minh Ngọc

Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ nhỏ và người lớn mắc sởi trái mùa dễ trở nặng hơn bởi các triệu chứng bệnh dễ bị bỏ qua. Trong giai đoạn các bệnh hô hấp đang tăng cao, nguy cơ dịch chồng dịch khiến các triệu chứng dễ nhầm lẫn hơn. Khi có các triệu chứng sốt, phát ban, nhiều người chỉ nghĩ đến nguyên nhân nóng sốt thông thường và uống thuốc hạ sốt tại nhà khiến tình trạng trở nặng mới đến bệnh viện.

Sởi có thể gây tử vong hoặc để lại các biến chứng thần kinh nguy hiểm như: viêm não - màng não - tủy cấp; biến chứng trên tai - mũi - họng như viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai, viêm tai xương chũn; biến chứng do suy giảm miễn dịch như trẻ dễ mắc thêm các bệnh khác là lao, ho gà, bạch hầu; các biến chứng khác như viêm cơ tim, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, đặc biệt là suy dinh dưỡng còi cọc ở trẻ em. Phụ nữ mang thai có thể bị sẩy thai và dị tật thai nhi nếu mắc sởi.

BS Chính cho biết Việt Nam đang triển khai tiêm vaccine phối hợp sởi - rubella - quai bị cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn, có thể tiêm 1 trong 2 loại vaccine MMR hoặc MMRII. Người lớn cũng cần tiêm vaccine phòng sởi. Phụ nữ nên hoàn tất lịch tiêm trước khi có thai ít nhất 3 tháng để đạt miễn dịch tốt nhất cho mẹ và bé trong những tháng đầu đời khi chưa đủ tuổi tiêm vaccine phòng bệnh. Đối với vaccine sởi đơn MVVac, được chỉ định cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên có lịch tiêm 1 mũi nên tiêm nhắc lại 1-2 liều vaccine phối hợp có thành phần vaccine sởi.

Cảnh báo bệnh sởi bùng phát trái mùa do trì hoãn tiêm chủng

Phụ nữ cần hoàn thành lịch tiêm vaccine sởi ít nhất 3 tháng trước khi mang thai. Ảnh: Minh Ngọc

Bệnh sởi khi bùng phát trái mùa dễ diễn tiến nhanh, người bệnh thường được đưa đến bệnh viện khi đã có những biến chứng. Do đó, nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... thì nên đến bệnh viện để được khám và điều trị. Đối với các trường hợp sởi điều trị tại nhà, cần tuân thủ các hướng dẫn về cách ly, thuốc, dinh dưỡng và vệ sinh da - răng miệng - mũi họng đúng cách, theo dõi các dấu hiệu rối loạn hoặc biến chứng để kịp thời nhập viện.

Hệ thống tiêm chủng VNVC với 70 trung tâm tiêm chủng trên cả nước đảm bảo cung ứng đầy đủ các loại vaccine cho người dân, trong đó có vaccine phòng sởi. Tất cả vaccine được nhập khẩu trực tiếp từ các hãng vaccine và dược phẩm trên thế giới và trong nước. Vaccine được bảo quản bằng hệ thống lạnh đạt chuẩn quốc tế GSP đảm bảo chất lượng, hiệu quả vaccine tối ưu và an toàn cho người sử dụng.

Anh Ngọc

Theo vnexpress.net

Cảnh báo bệnh sởi bùng phát trái mùa do trì hoãn tiêm chủng - Đời Sống