Hàng nghìn hộ dân đã được di dời tới khu tái định cư để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai). Tuy nhiên vẫn còn vài hộ cố bám trụ giữa đại công trường.
Giữa đại công trường thi công dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), hàng nghìn phương tiện và thiết bị đang triển khai các hạng mục quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn vài căn nhà sót lại, trơ trọi giữa đại công trường chưa chịu di dời, chờ giải quyết chế độ bồi thường.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, tại khu vực thu hồi đất cho dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, hiện nay còn vài hộ dân sinh sống hoặc chưa chịu di dời để bàn giao mặt bằng.
Điển hình là ngôi nhà của bà Đỗ Thị Yến (65 tuổi) nằm lọt thỏm giữa đại công trường đã tôn nền, san đất bằng phẳng.
Ngôi nhà của bà Đỗ Thị Yến đã ở vào vị trí lòng chảo. Ảnh: H.H
Bà Yến cho biết, căn nhà của bà đã bị đất bao vây xung quanh cao hơn nóc nhà. Hằng ngày, bà phải đi ra theo lối mòn để đi làm thuê ở khu tái định cư, cách vùng dự án khoảng 7km. Sau khi em trai và con gái được bồi thường ra khu tái định cư để xây nhà, bà vẫn tiếp tục ở lại căn nhà của mình, đồng thời có đơn đề nghị được giải quyết tái định cư hộ phụ.
Bà Đỗ Thị Yến vẫn còn ở lại đây, hằng ngày đi làm thuê ở khu tái định cư. Ảnh: H.H
Nhà của ông Ngô Quang Hạnh (63 tuổi) cũng nằm lọt thỏm với “4 mặt tiền” xung quanh là đất. Căn nhà này trơ khung, bám đầy bụi, toàn bộ tài sản, đồ dùng sinh hoạt đã được dọn đi từ lâu, không có điện nước.
Ông Hạnh cho biết muốn giữ căn nhà, chứ ở giữa công trường bao la mênh mông này như bước xuống một căn hầm. “Tôi cố bám trụ ở đây chỉ vì ước mong được giải quyết đề nghị tái định cư cho con gái, đâu ai muốn sống trong điều kiện ngặt nghèo thế này”, ông Hạnh giãi bày.
Căn nhà của ông Ngô Quang Hạnh với “4 mặt tiền” đất cát giữa đại công trường sân bay Long Thành. Ảnh: H.H
Liên quan đến việc các hộ dân chưa di dời, ông Dương Ngọc Đức, Phó chủ tịch UBND xã Bình Sơn (huyện Long Thành) cho biết: "Chúng tôi đã giải thích kỹ nhưng các hộ dân này vẫn không chấp hành quy định về phương án bồi thường, tái định cư đã được các cấp phê duyệt cụ thể.
Ở góc độ địa phương, xã và huyện đã phối hợp vận động người dân nhiều lần trên cơ sở đơn kiến nghị và những vướng mắc của người dân”.
Theo ông Đức, riêng trường hợp bà Yến là hộ nghèo, ở địa phương từ năm 1975 đến nay. Bà là mẹ đơn thân nên địa phương thống nhất báo cáo cấp tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ khác bằng hình thức giao cho 1 suất đất ở tối thiểu trong khu tái định cư, nhưng yêu cầu bà phải chấp hành đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Bình luận