Bộ Công Thương vừa có văn bản phản hồi Tổng cục Hải quan liên quan đến việc thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Bộ Công Thương trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Trong văn bản gửi Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết ngày 31/8, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương ký ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân đầu mối và một số công ty con, đơn vị trực thuộc của thương nhân đầu mối.
Trong đó, ngoài hình thức phạt tiền, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của 5 thương nhân đầu mối (Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM; Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương; Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu) trong thời gian 1 tháng.
Chưa rõ các doanh nghiệp được tạm dừng tước giấy phép có được nhập xăng dầu hay không
Đến ngày 6/9, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành nghị quyết, trong đó thống nhất tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối có hành vi vi phạm.
Bộ Công Thương cho hay, đến thời điểm hiện tại, Bộ đang thẩm định Dự thảo Kết luận thanh tra theo quy định và thực hiện công tác quản lý, điều hành thị trường xăng dầu. Sau khi ban hành kết luận thanh tra và có văn bản mới thay thế Thông báo số 771/TT-TTB, Bộ Công Thương sẽ gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện theo quy định.
Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính xem xét để các thương nhân đầu mối được tiếp tục kinh doanh xăng dầu, đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, góp phần đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hệ thống kinh doanh xăng dầu hoạt động ổn định trong thời điểm hiện tại...
Trước đó, báo chí đưa tin Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã gửi văn bản đề nghị Bộ Công Thương phúc đáp công văn liên quan đến xử phạt các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để có căn cứ làm thủ tục hải quan nhập khẩu đối với các doanh nghiệp này.
Theo Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương vẫn chưa có văn bản sửa đổi, hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc tạm đình chỉ thi hành các quyết định đối với 5 doanh nghiệp đầu mối. Vì vậy, các quyết định này vẫn có giá trị thực hiện đầy đủ và toàn diện về hình thức phạt tiền và hình thức bổ sung tước giấy phép kinh doanh xăng dầu.
Tổng cục Hải quan cho hay, từ ngày 31/8 đến ngày 10/10, có 2 doanh nghiệp đầu mối làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu. Nhưng Tổng cục Hải quan vẫn đang chờ ý kiến của Bộ Công Thương làm căn cứ để thực hiện thông quan hàng hóa, xử phạt hành chính (nếu có) đối với các doanh nghiệp đầu mối nói trên đang chờ làm thủ tục xuất nhập khẩu xăng dầu.
Bộ Công Thương tính nguồn cung xăng dầu cho năm 2023Bộ Công Thương họp với các đơn vị đầu mối nhằm đưa ra kịch bản về nguồn cung xăng dầu năm 2023, đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống, cũng như góp ý bổ sung, sửa đổi Nghị định số 95 và Nghị định số 83.